<div> <p><span>Chiều 10/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ dự họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Hà Nội. Theo ông Huệ, Hà Nội là địa phương chịu tác động nặng nề nhất của dịch bênh này, nguy cơ rủi ro lớn nhất. Tuy nhiên, đến nay, thành phố cơ bản kiểm soát được tình hình. Kết quả này có sự đồng tình hưởng ứng của người dân, nhất là khi thực hiện chỉ thị về giãn cách xã hội.</span></p> <p>"Truyền thống của dân tộc ta khi hoạn nạn, khó khăn thì phải sát cánh bên nhau nhưng trong lúc này thương yêu nhau, có trách nhiệm với nhau thì phải thực hiện giãn cách xã hội để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng xã hội. Yêu thương nhau thì phải xa nhau, cùng lắm thì hát bài ở hai đầu nỗi nhớ", ông Huệ nói.</p> <p>Ông Huệ cho rằng, giãn cách xã hội là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. "Hiện nay bắt đầu có một số ca bệnh giảm đi, bắt đầu có hiện tượng chủ quan, số lượng người ra đường, tập trung ở các địa điểm công cộng tăng lên. Đây là vấn đề đáng lo ngại", ông Huệ nói thêm.</p> <p>Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu, 30 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ thành phố không phải là ngăn sông cấm chợ mà là để kiểm soát tình hình dịch bệnh, vì sức khỏe của các công dân.</p> <p>Cho đến nay, theo Bí thư Hà Nội, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Thành phố phải truy vết các bệnh nhân F0, lại xuất hiện thêm tình huống phức tạp ở thôn Hạ Lôi, Bệnh viện Thận Hà Nội.</p> <p>"Tinh thần T.Ư chỉ đạo là tuyệt đối không lơ là chủ quan. Càng gần đến thắng lợi thì càng nhiều gian nan. Chúng ta tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan. Một số người đã bắt đầu có tâm lý thỏa mãn, chủ quan, bắt đầu khinh địch mà nếu khinh địch thì phải trả giá. Bởi đây là kẻ địch vô hình, không biết chỗ nào, thậm chí gần đây xuất hiện trường hợp âm tính chuẩn bị ra viện thì kiểm tra lại xét nghiệm dương tính. Có những ca sau 24 ngày mới phát bệnh. Có rất nhiều bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng nào. Cho nên tuyệt đối không được lơ là chủ quan", ông Huệ yêu cầu.</p> <div>Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, cùng với <span>việc ưu tiên cho chống dịch, các cơ quan ban ngành của Hà Nội vẫn phải đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo, ứng trực nhiệm vụ quan trọng và đột xuất; làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp.</span></div> <div><span>Ông Huệ cũng yêu cầu duy trì các hoạt động thiết yếu về đời sống kinh tế, tập trung tăng cường hoạt động kinh tế có dư địa. Tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp vì đây là vấn đề chiến lược, trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; t</span><span>ập trung vào thế mạnh sản xuất thực phẩm, dược phẩm, khẩu trang…</span></div> <div><span>Bí thư Hà Nội yêu cầu phải xây dựng cẩm nang đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 cho các đơn vị bệnh viện, cơ sở sản xuất, các ngành nghề... </span></div> <div><span>Liên quan đến các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội, ông Huệ cho rằng, thành phố phải triển khai rà soát ngay, khi Chính phủ ban hành thì chủ động thực hiện. </span></div> <div><span>"</span><span>Phải xác định triển khai các gói này một cách nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, xà xẻo trong việc này", ông Huệ nói. </span></div> <div>Ông Huệ cảnh báo, t<span>iêu cực xà xẻo trong việc này là có tội, phải xử lý nghiêm. "Đồng bào, doanh nghiệp đang khó khăn mà lại sách nhiễu, gây khó khăn, cán bộ tiêu cực nữa. Phải tăng cường công tác kiểm tra. Tôi tin không có đồng chí nào nghĩ như thế đâu, nhưng cũng phải cảnh báo, cảnh tỉnh, cũng phải thanh tra kiểm tra. Nếu có vi phạm thì phải phát hiện kịp thời xử lý nghiêm theo tình tiết tăng nặng…", ông Huệ phân tích. </span></div> <p> </p> </div> <p> </p>