Bí quyết chăm sóc tóc chắc khỏe, bóng mượt bằng nước vo gạo

Nước vo gạo là nguồn nguyên liệu dễ kiếm, dễ làm nhưng lại mang đến hiệu quả không ngờ cho mái tóc chắc khỏe, bóng mượt hơn.

Một số nghiên cứu đã đưa ra lợi ích của nước vo gạo bắt nguồn từ chất inositol. Đây là thành phần giúp đi sâu vào các sợi tóc hư tổn nhằm phục hồi và bảo vệ tóc từ trong ra ngoài.

Bí quyết chăm sóc tóc chắc khỏe, mềm mại, bóng mượt bằng nước vo gạo. Ảnh minh họa

Bí quyết chăm sóc tóc chắc khỏe, mềm mại, bóng mượt bằng nước vo gạo. Ảnh minh họa

Nước vo gạo là nguyên liệu lành tính, có nhiều vitamin và khoáng chất từ lớp vỏ gạo đã bong ra. Theo một số nghiên cứu, nước vo gạo có chứa vitamin B, vitamin C, vitamin E… và chất chống oxy hóa axit ferulic, allantoin hỗ trợ chống viêm hiệu quả. Bên cạnh đó, nước vo gạo còn chứa carbohydrate (inositol) có tác dụng làm sạch tóc và tạo lớp màng bảo vệ tóc khỏi các tác nhân xấu từ môi trường.

Gội đầu bằng nước vo gạo thông thường

‏Gội đầu với nước vo gạo có thể giúp phục hồi tóc bị hư tổn, dễ gãy rụng. Vitamin B và các axit amin có trong nước vo gạo có tác dụng cải thiện độ đàn hồi của mái tóc, giúp tóc mượt mà, chắc khỏe hơn.

Chuẩn bị nước vo gạo

Chuẩn bị một bát lớn chứa gạo vừa đủ cho bữa ăn gia đình bạn.

Cho nước vào bóp nhẹ nhàng và gạn nước đi để rửa trôi bụi bẩn có trong gạo.

Cho thêm nước để vo lần hai, lần này bạn chắt nước ra bát hoặc cốc nước để dùng gội đầu.

Hướng dẫn gội đầu:

Làm ướt tóc, dùng nước vo gạo đã chuẩn bị vỗ nhẹ lên da đầu.

Massage nhẹ nhàng để các dưỡng chất trong nước vo gạo hấp thụ nhanh chóng và tăng cường hiệu quả dưỡng tóc.

Gội sạch lại với nước sau 10 phút.

Áp dụng 2 – 3 lần/tuần bạn sẽ thấy mái tóc dày đẹp lên trông thấy.

Gội đầu bằng nước gạo lên men

Nước vo gạo lên men rất giàu chất chống oxy hóa, khoáng chất, vitamin E…Đây là những dưỡng chất giúp làm sạch da đầu, kích thích các tế bào trao đổi chất giúp tóc mềm mượt, kích tóc phát triển.

Cách lên men nước vo gạo

Vo gạo lần thứ 2 và thu lại phần nước trắng đục.

Cho nước vừa chắt vào lọ nhựa, đậy nắp lại.

Để trong nhiệt độ phòng từ 12 – 24 giờ để nước lên men.

Cần lưu ý, không nên để quá 24 giờ có thể gây chua quá. Trong trường hợp chưa dùng tới bạn có thể giữ lạnh.

Cách sử dụng

Chắt 1 cốc nước gạo pha loãng với nước ấm.

Làm sạch tóc bằng dầu gội thường dùng, thoa đều nước gạo lên da đầu kết hợp massage.

Để yên khoảng 5 – 10 phút và xả sạch lại với nước sau khi gội.

Áp dụng 2 – 3 lần/tuần bạn sẽ thấy da đầu sạch, tóc chắc khỏe.

Gội đầu bằng nước gạo đun sôi

Ngoài 2 cách trên, chị em có thể dùng nước vo gạo đun sôi để dưỡng tóc. Các bước thực hiện như sau:

Nấu cơm như bình thường, bạn hãy nhớ nấu nhiều nước hơn phần gạo nhé. Chờ gạo sôi vừa chín tới, chắt lấy nước có độ sền sền hơi loãng và cho ra 1 chén nhỏ.

Phần 1/2 chén nước gạo với 10 chén nước ấm, có thể hòa thêm 1 – 2 giọt tinh dầu trà hoặc hương thảo.

Làm sạch da đầu, sau đó massage hỗn hợp nhẹ nhàng trong khoảng 5 phút rồi gội sạch lại với nước ấm.

Áp dụng khoảng 2 – 3 lần/tuần, kiên trì thực hiện sẽ thấy những thay đổi tích cực từ mái tóc.

Lưu ý khi gội đầu với nước vo gạo

Nước vo gạo đem đến công dụng hiệu quả đối với da đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng gội đầu hoặc ủ đúng cách với loại nước này. Dưới đây sẽ là một vài lưu ý nhỏ khi ủ tóc với nước vo gạo.

Không nên sử dụng loại gạo ăn hàng ngày để làm nước vo gạo. Bạn nên sử dụng loại gạo nguyên cám để có nhiều dưỡng chất hơn khi ủ tóc.

Nên áp dụng gội đầu với nước vo gạo khoảng 2 – 3 lần trong tuần để tăng độ hiệu quả suôn mượt và mềm mại.

Xả sạch nước vo gạo và không nên ủ nước vo gạo trên đầu quá lâu. Lượng protein ở trong nước vo gạo sẽ gây tác dụng ngược làm khô tóc.

Chỉ nên áp dụng 2 lần/tuần đối với người mới gội đầu bằng nước vo gạo.

Không sử dụng nước vo gạo ở nước đầu tiên, bởi trong nước đầu sẽ lẫn các hóa chất và bụi bẩn gây hại cho da đầu.

Ủ tóc với nước vo gạo nên dùng đối với người da đầu khô. Nếu thuộc da đầu nhiều dầu, bạn nên cân nhắc về tần suất sử dụng phù hợp.

Không nên ủ tóc bằng nước vo gạo và dùng dầu gội để gội lại. Hóa chất trong dầu gội sẽ làm mất chất trong nước vo gạo.

Theo Đời sống
back to top