Bị phạt vì “bán chui” trái phiếu, VsetGroup “ra chiêu” phát hành mới

Sau khi bị UBCKNN phạt “nặng” về hành vi “bán chui” trái phiếu, rút tiền thu được của cá nhân ra khỏi tài khoản công ty mà không nhập quỹ, VsetGroup lại tiếp tục “ra chiêu” huy động vốn của các nhà đầu tư, mà không sử dụng cụm từ “phát hành trái phiếu”.

“Phù phép” tiền của nhà đầu tư biến mất trong tài khoản VsetGroup

Ông Trương Ngọc Anh (SN 1988) là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VsetGroup cũng là người sáng lập lên Tập đoàn này. Chỉ sau vài năm vị chủ tịch 8x Trương Ngọc Anh đã xây dựng hệ sinh thái gồm nhiều doanh nghiệp, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Đáng chú ý, hình ảnh thông qua truyền thông của Tập đoàn này đang được xây dựng khá “bóng bẩy”, với vốn điều lệ tăng thần tốc từ 1,6 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng chỉ trong vài năm.

Trong giai đoạn 2020 - 2021, VsetGroup của ông Trương Ngọc Anh cũng chào bán hàng trăm tỷ đồng trái phiếu ra công chúng nhưng là “bán chui” vì không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Tháng 11/2021, UBCKNN đã tiến hành kiểm tra và phát hiện, trong thời gian từ 01/01/2020 – 27/10/2021 VsetGroup đã đưa thông tin mời chào và thông tin liên hệ trên phương tiện thông tin đại chúng để nhà đầu tư tiếp cận, mua trái phiếu do VsetGroup phát hành.

Theo UBCKNN, VsetGroup đã thực hiện hành vi này mà không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.

Ngày 30/11/2021, UBCKNN đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính VsetGroup 600 triệu đồng; buộc VsetGroup phải thu hồi trái phiếu đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi.

Đặc biệt, kết quả kiểm tra cho thấy hoạt động chào bán trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư. VsetGroup báo cáo đã ký hơn 670 hợp đồng mua bán trái phiếu từ 1/1/2020 - 27/10/2021, với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng.

VsetGroup báo cáo thực hiện chào bán trái phiếu để tài trợ vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được từ chào bán trái phiếu.

VsetGroup cũng không theo dõi, hạch toán, trình bày trên Báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2020 và Báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2021 của Công ty đối với các khoản tiền thu được từ chào bán trái phiếu, trả lãi vay trái phiếu, trả gốc vay trái phiếu đến hạn.

Đáng chú ý, các khoản tiền thu được từ chào bán trái phiếu được các cá nhân trong VsetGroup rút ra khỏi tài khoản của Công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của Công ty.

Chính vì vậy, UBCKNN đã phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an để xem xét xử lý vụ việc.

truongngocanh.jpg
Trương Ngọc Anh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VsetGroup.

“Mập mờ” thông tin, cảnh giác sập bẫy

Dù mới bị phạt nặng vì 'bán chui' trái phiếu, mới đây website VsetGroup lại đề ra kế hoạch huy động từ các nhà đầu tư thông qua loại hình “hợp tác kinh doanh nhận lợi tức cố định từ doanh nghiệp phát hành”, với mức lãi suất cố định trên 12%/năm.

Cụ thể, trên website: VsetGroup.com của Tập đoàn VsetGroup hiện nay đăng tải những thông tin chứa nhiều cụm từ gồm: “Đợt hợp tác kinh doanh”, hay “phát hành”… Tuy nhiên, không hề nhắc tới phát hành cổ phiếu hay trái phiếu như trước đã bị UBCKNN phạt.

Trong đó, thông tin nêu rõ là Tập đoàn VsetGroup là tổ chức phát hành, nhưng “Tổng số lượng phát hành: không giới hạn”, “Tổng giá trị phát hành: không giới hạn”.

Dù sử dụng cụm từ “phát hành” nhưng Tập đoàn VsetGroup lại đưa ra 6 hạn mức đầu tư lần lượt là: 50 triệu đồng, 100 triệu đồng, 200 triệu đồng, 300 triệu đồng, 500 triệu đồng và 1 tỷ đồng.

Nội dung về điều kiện, điều khoản phát hành cũng được đưa ra rất chung chung. Cụ thể, thông tin VsetGroup thể hiện “Điều kiện, điều khoản phát hành theo Luật Dân sự Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên, nên biết rằng Luật Dân sự là một nhánh trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đối với riêng pháp Luật Dân sự gồm nhiều văn bản pháp luật áp dụng đối với các hành vi dân sự như: Bộ Luật Dân sự, các văn bản dưới luật nói chung (Nghị Định, Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành).

Đáng nói, mục đích phát hành là để bổ sung vốn lưu động phục vụ cho việc thực hiện các chương trình, Dự án của Tổ chức phát hành giai đoạn 2021 - 2025. Và ngày “phát hành” là ngày 1/01/2022.

Rất khó hiểu với những thông tin của VsetGroup đưa ra vừa là hợp tác kinh doanh nhưng lại là “phát hành” mà không nêu cụ thể phát hành cái gì (cổ phiếu, hay trái phiếu…).

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 25 Luật Chứng khoán thì Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau đây: 1. Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; 2. Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán; 3. Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là một “chiêu” của VsetGroup, bởi theo tìm hiểu của phóng viên VsetGroup hiện chưa phải là doanh nghiệp đại chúng. Vì vậy, mặc dù liên tục nhắc đến cụm từ “phát hành” nhưng tuyệt nhiên doanh nghiệp này không nhắc đến phát hành “cổ phiếu” hay “trái phiếu” là điều dễ hiểu.

Theo kế hoạch sử dụng tiền thu được từ đợt phát hành VsetGroup đưa ra thì Tập đoàn này sẽ dành khoảng 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng trung tâm đăng kiểm, phụ tùng xe cơ giới; 150 tỷ đồng xây dựng chuỗi 50 hệ thống làm đẹp Vissa Beauty; 150 tỷ đồng xây dựng 5 nhà hàng; 40 tỷ đồng xây dựng 20 cửa hàng bán giầy da và phụ kiện cho nam; 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống 100 siêu thị cây xanh và 100 cửa hàng cà phê thủy sinh; 6.000 tỷ đồng xây dựng 20 cửa hàng vàng bạc đá quý VSJ.

Số tiền 2.600 tỷ đồng còn lại sẽ được VsetGroup dùng để đầu tư vào các dự án biệt thự nghỉ dưỡng, bao gồm VS Phoenix Villa Gia Lai (quy mô 35ha, tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng) và VS Dragon Villa Long An (quy mô 10,7ha, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, VsetGroup còn dự kiến phát triển thêm lĩnh vực giáo dục với thương hiệu VsetEdu và tham gia vào lĩnh vực y tế - VSMec với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ vụ “bán chui” trái phiếu trước đó rất nhiều nhà đầu tư đã bị vào “bẫy” của VsetGroup, cho nên với những thông tin “mập mờ” kiểu này các nhà đầu tư cần cẩn thận trước khi tham gia.

Tập đoàn VsetGroup do Trương Ngọc Anh (SN 1988) sáng lập năm 2014, ban đầu với tên gọi là Công ty CP Thương mại dịch vụ điện tử viễn thông tin học Việt Nam, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là “bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm”. Giai đoạn 2016 - 2021, vốn điều lệ của VsetGroup đã tăng, từ 1,6 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng."

Theo Đời sống
back to top