Bị ong đốt... dấu hiệu cần đi bệnh viện gấp

Cần đưa người bị ong đốt đến các cơ sở y tế gần nhất nếu có các biểu hiện như khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu, đại tiện phân lỏng, ...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mới đây, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh tiếp nhận điều trị thành công cho bé gái 8 tuổi bị sốc phản vệ nặng do ong nghệ đốt.

Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng rất nguy kịch, da ửng đỏ, phù mi mắt, sốt, mệt nhiều và khó thở, cơ thể có gần 20 nốt sưng phù do ong đốt. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có tình trạng sốc phản vệ nặng.

Theo bác sĩ, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, ngay khi phát hiện trẻ bị ong đốt, cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân đến khu vực an toàn. Đưa bệnh nhi vào viện khi có một trong các dấu hiệu gồm bị đốt nhiều nốt, toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, nổi mẩn ngứa, đỏ da hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt...

Những nguy cơ có thể gặp phải khi bị ong đốt

Theo các chuyên gia, bị ong đốt là một tai nạn không phải hiếm gặp trong cuộc sống hằng ngày, phổ biến nhất trong những tháng hè quanh năm.

Trong tự nhiên có nhiều loại ong khác nhau, trong đó những loại có khả năng cao đốt người ở nước ta là ong vò vẽ, ong mật, ong bắp cày, ong vàng, ... Nọc độc của từng loài có khả năng gây độc khác nhau, tuy nhiên không nhiều các trường hợp nạn nhân có thể xác định chính xác tên loài ong đã tấn công.

Bên cạnh khả năng đe dọa tính mạng, người bị ong đốt còn phải đối diện với nhiều nguy cơ khác như sốc phản vệ, suy thận cấp, tan máu, tiêu hủy cơ vân,...

Trong nhiều trường hợp, vết đốt có thể sưng từ vài ngày đến vài tuần. Ở những tình huống có biến chứng nặng nề hơn do bị đốt nhiều vị trí ở vùng đầu, mặt, cổ, người bị đốt còn xuất hiện các triệu chứng toàn thân như phù mặt, nổi ban đỏ toàn thân ngứa nhiều, khó thở, thở rít do chít hẹp thanh môn, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê, gợi ý một tình trạng sốc phản vệ. Các triệu chứng khác như tiểu màu đỏ hoặc nâu gợi ý một tình trạng tổn thương thận cấp.

Cách xử trí khi bị ong đốt

Ngay sau khi bị ong đốt, nạn nhân cần lưu ý một vài đặc điểm sau: Ra khỏi khu vực có nhiều ong ngay lập tức; Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra; Tuyệt đối lưu ý không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương vì có thể làm lan tràn độc tố; Chườm đá hoặc đắp một miếng gạc lạnh sạch để giảm sưng và đau vết thương; Rửa vết đốt bằng nước sạch hoặc xà phòng; Dùng dung dịch sát khuẩn vết thương hằng ngày.

Cần đưa người bị ong đốt đến các cơ sở y tế gần nhất nếu có các biểu hiện sau: Bị ong đốt ở nhiều vị trí trên cơ thể, nhất là ở vùng đầu, mặt, cổ; Xác định được loài ong đốt là ong rừng, ong bắp cày hay ong vò vẽ, ... Đây là những loài ong có nọc độc mạnh, có khả năng cao gây ra nhiều biến chứng toàn thân; Người bị đốt có các triệu chứng khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu, đại tiện phân lỏng, ...

Phòng tránh bị ong đốt

Tránh xa những khu vực có nhiều tổ ong sinh sống.

Không dùng gậy, que chọc phá tổ ong, cần đặc biệt căn dặn điều này với trẻ em.

Tránh đi vào các khu vực nhiều cây cối vào ban đêm vì lúc này thường khó quan sát và hạn chế phát hiện các tổ ong lớn làm tổ ở vị trí thấp.

Đối với những người nuôi ong lấy mật, cần đảm bảo tốt công tác mang áo quần phòng hộ, tránh để lộ phần da bên ngoài.

Nếu muốn phá hoặc xua đuổi đàn ong, có thể sử dụng khói hoặc lửa thay vì dùng que hay gậy chọc trực tiếp vào tổ của chúng.

Vệ sinh, chặt bỏ các nhánh cây um tùm, không tạo điều kiện cho ong làm tổ quanh nhà.

Không nên chạy khi bị ong đuổi theo

Lựa chọn các loại nước hoa, sữa dưỡng thể cần lưu ý tránh các mùi hương ngọt, vì có thể thu hút các loài ong.

Khi đi vào rừng, cần chọn lựa trang phục che chắn tay chân, thân mình, đội mũ có màng che mặt, đi giày kín và mang găng tay.

Theo Đời sống
back to top