<div> <p class="t-j">Nằm trong thành phần của Hội đồng Tình báo quốc gia (NIC), lực lượng TFIA có chức năng thu thập tin tình báo từ trên không, gây nhiễu và phá rối hoạt động tình báo điện tử của đối phương và tiến hành chiến tranh tâm lí bằng thông tin. Phạm vi hoạt động của TFIA được xác định là ở bất cứ nơi nào có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Mỹ.</p> <p class="t-j">TFIA về thực chất là đơn vị hành động của bộ ba tình báo <span>Mỹ</span> – Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cục Tình báo trung ương (CIA) và Cục Tình báo quốc phòng (DIA) và có trụ sở tại Fort Mead, trong tổng hành dinh của NSA. Tại đây có những trang thiết bị điện tử hiện đại cho phép chỉ trong vòng vài phút có thể xử lí, giải mã những bức không ảnh hay những sóng vô tuyến thu được trước khi chuyển sang trung tâm chỉ huy của NSA.</p> <p class="t-j">Lực lượng chủ yếu của TFIA gồm các phi đội <span>máy bay</span> trinh sát và các đơn vị đặc nhiệm.</p> <p class="t-j"><strong>Các phi đội máy bay trinh sát</strong></p> <p class="t-j">Các phi đội máy bay trinh sát của TFIA nằm trong thành phần phi đoàn Không quân số 55, được thành lập tháng 11/1985, về danh nghĩa trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng lại do TFIA điều hành. Phi đoàn này có căn cứ tại Orfut, Nebraska, có 21 máy bay Boeing đặc chủng chia thành 3 phi đội là phi đội Rivet Joint, phi đội Combat Sent và phi đội Cobra Ball. </p> <table class="FmsArticleBoxStyle ImageBox ImageCenterBox Border-1 image"> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image "><img alt="Bí mật về đơn vị hành động trên không của tình báo Mỹ" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/28/vnn-imgs-f-vgcloud-vn_bi-mat-ve-don-vi-hanh-dong-tren-khong-cua-tinh-bao-my.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc">UAV Predator của Mỹ. Ảnh: Wikipedia</td> </tr> </tbody> </table> <p class="t-j">Rivet Joint là phi đội chủ lực, gồm 16 máy bay được trang bị hệ thống cảnh báo và kiểm soát trên không (AWACS) có nhiệm vụ thu thập mọi tín hiệu, thông tin được phát từ lãnh thổ đối phương qua các trạm mặt đất, từ các trạm mặt đất lên vệ tinh và ngược lại.</p> <p class="t-j">Thông thường, có 2 hoặc 3 chiếc máy bay loại này thay nhau “trực chiến” trên bầu trời các khu vực nhạy cảm như Trung Đông, Vùng Vịnh, Balkan, Nam Á, Caspian, Trung Quốc, Nga... Các máy bay thuộc phi đội Rivet Joint từng phối hợp với các vệ tinh tình báo dẫn đường và chỉ thị mục tiêu cho không quân tấn công trong các cuộc xung đột và chiến tranh cục bộ ở Bosnia, Kosovo, Afghanistan, Iraq, Syria..</p> <p class="t-j">Để đảm bảo cho hoạt động liên tục của phi đội Rivet Joint, tại các căn cứ Incirlik, Thổ Nhĩ Kì và Okinawa, Nhật Bản, Mỹ đã cho xây dựng các cơ sở tiếp liệu dành riêng cho máy bay Boeing có lắp hệ thống AWACS.</p> <p class="t-j">Phi đội Combat Sent có 2 chiếc Boeing đặc chủng, có nhiệm vụ phát hiện truy tìm các hệ thống thông tin điện tử đang hoạt động của đối phương. Các tín hiệu thu thập được sẽ được xử lí ngay tức khắc để áp dụng các biện pháp gây nhiễu nhằm vô hiệu hoá các trạm radar của đối phương dù ở trên mặt đất, trên không hay trên biển.</p> <p class="t-j">Phi đội Cobra Ball có 3 máy bay, có nhiệm vụ giám sát các vụ thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của các nước có khả năng hạt nhân như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên.</p> <p class="t-j">Trên các máy bay của phi đội Cobra Ball trang bị hệ thống thiết bị ghi hình bằng tia hồng ngoại để có thể quan sát hành trình bay của tên lửa từ nơi phóng cho đến khi tới mục tiêu. Thiết bị trên máy bay sẽ cho phép phân tích loại nhiên liệu mà tên lửa sử dụng, từ đó tính toán chính xác tốc độ bay và điểm đến của nó.</p> <p class="t-j">Nét đặc biệt là cả 21 máy bay của 3 phi đội đều được trang bị hệ thống liên lạc bằng mã hoá đặc biệt để gửi thông tin về tổng hành dinh ở Fort Mead, và từ đó lại nhận lệnh cũng đã mã hoá để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp bị tấn công hay trục trặc kĩ thuật, các máy bay này có thiết bị huỷ bỏ thông tin, phá hỏng các thiết bị trinh sát và lúc đó nó trở lại là máy bay quân sự bình thường. </p> <p class="t-j"><strong>Các đơn vị đặc nhiệm</strong></p> <p class="t-j">Phi đội Aries gồm 11 chiếc máy bay do thám EP-3, vẫn mang phiên hiệu hải quân, có nhiệm vụ thu thập thông tin phát qua sóng liên lạc và qua mạng radar của đối phương dọc vùng biển Bắc Á, Nam Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương; theo dõi hoạt động của tàu ngầm, tàu nổi các nước đang hoạt động trong vùng biển quốc tế và cả khu vực ven bờ.</p> <p class="t-j">Cùng chức năng là phân đội Orion gồm 6 chiếc P3-C thường xuyên canh chừng khu vực vùng Vịnh và Bắc Phi.</p> <p class="t-j">Một đơn vị đặc nhiệm khác của TFIA là Liên đội máy bay do thám không người lái (UAV), về danh nghĩa trực thuộc Cục Tình báo quốc phòng, bao gồm các máy bay UAV loại Predator và Hunter.</p> <p class="t-j">Predator là loại UAV tương đối đa năng, có thể thực hiện nhiệm vụ tình báo cho cả không quân, lục quân và lực lượng đặc nhiệm trên bộ. Sải cánh 3m, có thể bay ở độ cao 3.000 – 5.000m với vận tốc 215 km/giờ trong phạm vi 300km suốt 8 giờ, loại UAV này được điều khiển từ một trung tâm dã chiến từ rất xa. Nó có thể nhìn rõ mọi hình ảnh về đối phương rồi chuyển tín hiệu về trung tâm nhờ thiết bị ghi hình hồng ngoại chuyển phát qua vệ tinh gián điệp. Predator còn có thể xác định toạ độ mục tiêu đối phương rồi chỉ thị mục tiêu cho tên lửa hành trình tiêu diệt.</p> <p class="t-j">Hunter là loại UAV Pioneer cải tiến, dài 2,5m, sải cánh 4m, phạm vi hoạt động từ 150 đến 200km. Nó có thể theo dõi, ghi hình mọi hoạt động dưới mặt đất ở độ cao 1.600 – 2.000m trong suốt 6 giờ. Ở độ cao thích hợp, UAV Hunter có thể suốt ngày đêm bao quát một diện tích rộng đến 50km2 và nhìn rõ từng chi tiết nhờ hệ thống camera quang học và hồng ngoại.</p> <p class="t-j">Một ưu điểm nữa của Hunter là được chế tạo bằng vật liệu sợi thuỷ tinh nên nó không bị radar đối phương phát hiện. Ngoài ra, do có hệ thống giảm thanh ở động cơ và sử dụng nhiên liệu đặc biệt hoà tan nhanh khí thải vào không khí nên Hunter rất khó bị bắn hạ bằng tên lửa phòng không thông thường.</p> <p> </p> </div> <p> </p>