Không biết học ở đâu khi năm học mới bắt đầu
Do đi hỗ trợ, chăm mẹ bị tai nạn, chị dâu sinh con, em Nguyễn Quốc Vinh (tên học sinh đã được thay đổi), học sinh lớp 11 đã bị “kẹt” lại Hà Nội, không kịp về quê để đi học trực tiếp khi năm học mới bắt đầu.
Biết thông tin học sinh có thể học ở nơi cư trú, Vinh vội liên lạc với hiệu trưởng một trường gần nơi em đang ở hiện tại, xin học. Nhưng em nhận được câu trả lời, hiện tại đã hết hạn thời gian đăng ký. Muốn nhận em, phải có chỉ đạo từ cấp trên.
Không biết làm thế nào để tự liên lạc với “cấp trên”, gia đình đề nghị em dừng một năm học, sang năm về quê rồi thì đi học tiếp. Hoang mang, lo lắng, em cũng đã định “buông xuôi” theo ý định gia đình.
Nhưng rồi, khi biết Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép học sinh tiếp tục được nộp đơn xin học ở nơi cư trú, em đã viết đơn xin học (trường gần với trường ban đầu em xin học) và đã được chấp nhận. Hiện tại, em đã có thể yên tâm học trực tuyến cùng các bạn mới.
Khi hỏi lý do vì sao em không xin học sớm tại nơi cư trú, Vinh cho biết, em vẫn có hy vọng là hết giãn cách đợt 2, em có thể về quê. Hơn nữa, em cũng không biết được thông tin là học sinh có thể học ở nơi cư trú. Đến khi bị kẹt lại, và biết được thông tin, em xin học thì đã muộn. May mắn, sau khi bị trường thứ nhất từ chối, thì em đã được nhận ở trường tiếp theo.
Coi học sinh như con, hết lòng giúp đỡ các em
Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Ngô Văn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh, Hà Nội cho biết, sau khi nhận được công văn của Sở GD&ĐT về việc cho phép học sinh học tập tại nơi cư trú theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã thông tin trên trang web của nhà trường và các nhóm giáo viên để các thầy cô nắm được chủ trương.
Cho đến thời điểm này, nhà trường đang nhận 6 học sinh ở hai khối lớp, là lớp 10 và khối lớp 11. Nhà trường đã sắp xếp các em vào đúng đơn vị lớp. Việc xếp lớp này được thông tin đầy đủ tới giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Hiện nay, nhà trường đang học trực tuyến theo phần mềm Zoom, nhà trường đã cung cấp đầy đủ cho các em tài khoản và mật khẩu để các em có thể theo học theo thời khóa biểu.
Về việc học sinh xin học “muộn”, nhà trường cũng có 4 em ở diện này. Lý do là vì, theo công văn hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, chậm nhất 17h ngày 1/9 là hạn cuối các trường nộp danh sách học sinh học có nhu cầu học tạm tại trường do dịch bệnh. Tuy nhiên, hết thời điểm này, vẫn có những học sinh có nhu cầu học.
“Ngày 6/9, tôi nhận được điện thoại của phụ huynh muốn xin học cho con. Lúc đó, tôi đang lái xe, ngay lập tức tôi dừng lại, điện thoại cho lãnh đạo Sở GD&ĐT xin chỉ đạo. Sau khi biết được các em vẫn có thể nộp đơn xin học, tôi đã hướng dẫn phụ huynh làm thủ tục để các em có thể kịp theo học ở trường. Và cũng ngay trong ngày hôm đó, Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường về việc tiếp tục nhận học sinh học tại nơi cư trú, rất kịp thời”, thầy Nghĩa chia sẻ.
Thầy Nghĩa cho biết, để xin học tại trường, gia đình cần làm đơn theo mẫu của Sở GD&ĐT. Trong trường hợp gia đình không thể viết đơn điện tử, Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh cho phép viết tay, sau đó chụp ảnh và gửi chuyển qua Zalo. Ngoài đơn theo mẫu của Sở GĐ&ĐT, đối với học sinh khối 10, nhà trường yêu cầu gia đình học sinh làm thêm cam kết, học sinh đã trúng tuyển trong kỳ thi vào lớp 10 công lập của địa phương.
Hiện tại, qua kiểm tra sĩ số ở các buổi học, các em đều đã theo học đầy đủ, và có đủ phương tiện để theo học trực tuyến. Các em được giáo viên chủ nhiệm lớp giới thiệu với cả lớp, làm quen với các bạn. Hết thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các em muốn về quê, nhà trường sẽ hết sức tạo điều kiện cho các em.
Khi được hỏi vì sao khi nhận được đề nghị từ phía phụ huynh, đã hết hạn nộp đơn, thầy đã chủ động liên lạc với lãnh đạo Sở, thay vì yêu cầu phụ huynh tự làm việc đó, thầy Nghĩa cho biết, những học sinh xin học vào Trường đều có bố mẹ là lao động tự do, điều kiện tiếp nhận với thông tin có phần hạn chế. Chính vì thế, nhà trường rất chia sẻ, thông cảm với gia đình.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh, các em gặp khó khăn, ở cương vị người làm thầy, thầy thấy việc phải giúp đỡ các em là đương nhiên, cũng là theo đúng chỉ đạo của Bộ, và Sở GD&ĐT.
Ngoài ra, thầy cũng có con, thầy thấy các em như con của mình, khi các em gặp khó khăn là sẵn lòng giúp đỡ. Bản thân thầy, mới đây, trên đường về, tiện đường, thầy cũng không ngại “ship” cả sách giáo khoa cho học sinh còn thiếu. Năm nay, sau lễ khai giảng, nhà trường cũng tặng được 37 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong trường, động viên, khích lệ các em học tập.
Trao đổi với phóng viên, một số giáo viên cho biết, hiện tại cũng đã tiếp nhận những học sinh học bị “kẹt” lại do dịch bệnh. Nhà trường đều tạo điều kiện hết sức để các em có thể học tập được một cách tốt nhất trong hoàn cảnh dịch bệnh theo đúng chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT.
Theo Thông báo về việc tiếp tục nhận và tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19 của Sở GD&ĐT, hiện các trường đã có danh sách báo cáo học sinh xin học tập tại đơn vị. Tuy nhiên, do TP Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách từ mùng 6/9, một số đối tượng đang cư trú trên địa bàn không được quay trở về trường đầu năm học 2021 - 2022, có nguyện vọng học tại nơi cư trú. Sở đề nghị các trường tiếp tục thực hiện công văn 2978 và tạo điều kiện cho các em học tập tại nơi cư trú trong thời gian chống dịch Covid-19. Các đơn vị tập hợp và gửi báo cáo bổ sung trước 17h ngày 10/9.