Nghe nhạc với âm lượng lớn không chỉ ảnh hưởng tới thính giác mà cả thần kinh, hệ tiêu hóa...
“Có trường hợp ngất xỉu ở nơi có cường độ âm thanh quá lớn, hoặc sau buổi vui chơi về thì nhiều người bị ngộ độc âm thanh cấp tính với các biểu hiện nghe kém, cơ thể mệt mỏi… đe dọa chức năng thính giác”, TS Nguyễn Ngọc Minh - Phó chủ tịch Hội Thính học Việt Nam nói.
Nguyên nhân gây điếc tai ở người trẻ
- Sử dụng nhiều bia, rượu, đồ uống có cồn: Khi nồng độ cồn trong máu tăng cao, chúng có thể gây độc, tổn thương các tế bào lông trong ốc tai và gây suy giảm thính lực.
- Sử dụng tai nghe thường xuyên: Theo giới chuyên gia, đeo tai nghe liên tục nhiều giờ trong ngày có thể làm hỏng các tế bào lông trong ốc tai và khiến thính lực bị suy giảm.
- Nghe điện thoại trong thời gian dài: Theo các chuyên gia, việc nghe một cuộc gọi kéo dài 10 phút mỗi ngày sẽ làm tăng hơn 70% nguy cơ bị điếc tai, nghe kém ở người trẻ.
- Nhiễm trùng tai: Nhiễm trùng tai có khả năng gây ra sự tích tụ chất lỏng và làm suy giảm thính lực.
- Tuần hoàn máu kém: Tuần hoàn máu kém khiến tế bào thần kinh tai không được cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết để hoạt động, cuối cùng dẫn tới điếc tai, suy giảm thính lực.
- Mắc bệnh thận: Theo đông y, thận khai khiếu ở tai, điều này có nghĩa là, chức năng thận có mối liên hệ mật thiết với khả năng nghe. Thận yếu dễ gây ù tai, nếu yếu quá sẽ gây điếc tai.
Lạm dụng tai nghe, coi chừng điếc vĩnh viễn
Gần đây, T.B.H. 22 tuổi (Hà Nội), liên tục có cảm giác như lỗ tai bị bít lại, ù tai hay chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, hoa mắt, mệt mỏi toàn thân, nhiều lúc không nghe được gì… nên đi khám. H. được chẩn đoán chấn thương âm thanh cấp tính, điếc tạm thời do nghe nhạc quá to, nếu không cẩn thận có thể điếc vĩnh viễn. Nguyên nhân là do H. đeo tai nghe nhạc thường xuyên kể cả khi khi làm việc, đi xe.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh thăm khám tai cho bệnh nhân |
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Nguyên giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cảnh báo, hiện rất nhiều bạn trẻ bị chấn thương thính lực vì sở thích nghe nhạc với âm lượng tối đa từ MP3, đi bar, vũ trường... mà không biết thói quen này không chỉ ảnh hưởng tới thính giác mà cả thần kinh, hệ tiêu hóa... Bởi âm thanh quá to, kéo dài liên tục sẽ gây áp lực lên tai, gây tổn thương cho nhung mao ở tai, dẫn đến ù tai, điếc tạm thời hoặc vĩnh viễn...
Một nghiên cứu của WHO cho thấy, có đến 7% dân số thế giới bị điếc, và tỷ lệ ấy cũng đúng ở Việt Nam. Trước đây chứng lão thính xuất hiện ở những người già trong độ tuổi 60, thì nay lão thính đang trẻ hoá từ độ tuổi 30 – 40, trong đó có nguyên nhân nghe nhạc bằng tai nghe.
Tại hội nghị nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện An Bình (TP HCM) năm 2023 diễn ra mới đây, TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hội Thính học Việt Nam cảnh báo, trên thế giới, kể cả Việt Nam, cứ 6 người thì có 1 người bị suy giảm thính lực. Mất thính lực là vấn đề sức khỏe phổ biến thứ ba ở người lớn tuổi, sau viêm khớp và bệnh tim.
Độ tuổi bị suy giảm thính lực tại nước ta ngày càng trẻ hóa, không chỉ ở người già mà gia tăng ở độ tuổi trung niên và nhiều người trẻ. Bệnh cảnh “mệt thính giác” này phải được xem là một báo động nếu không đi khám chấn thương âm thanh cấp tính sẽ đe dọa chức năng thính giác. Ngoài môi trường ô nhiễm, tiếng ồn thì 60% là do đeo tai nghe.
“Tôi từng tiếp nhận khám và điều trị một số bệnh nhân bị thính lực kém do thói quen sử dụng tai nghe trong thời gian dài. Đã có trường hợp ngất xỉu khi ở nơi có cường độ âm thanh quá lớn, hoặc sau buổi vui chơi về thì nhiều người bị ngộ độc âm thanh cấp tính với các biểu hiện nghe kém, cơ thể mệt mỏi” – TS Minh nhấn mạnh.
Theo WHO, có khoảng 1,1 tỉ thanh niên và người trẻ tuổi trên toàn thế giới có nguy cơ cao mất thính lực vì sử dụng tai nghe quá nhiều hoặc do thích đến các buổi biểu diễn và các câu lạc bộ có âm thanh quá lớn. Những người trong độ tuổi từ 12 - 35 là những người có nguy cơ cao nhất. Chỉ trong 10 năm trước, số người mất khả năng nghe đã tăng lên vì sử dụng máy nghe nhạc và điện thoại để nghe nhạc.
Đặc biệt, trong năm 1994 có 3,5% thanh niên Hoa Kỳ phải đối mặt với một số loại tổn thương thính giác. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 5% chỉ trong 12 năm.
Đeo tai nghe quá nhiều tiếng trong ngày và thường nghe với âm lượng lớn, vô tình làm tổn thương thính giác - Ảnh minh họa |
Dấu hiệu khó nhận biết
PGS.TS Dinh cảnh báo, đeo tai nghe gần như là sở thích và thói quen của rất nhiều bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ có thói quen nghe nhạc thường xuyên, thậm chí là nghe nhạc ban đêm ngay cả lúc ngủ. Việc sử dụng tai nghe quá thường xuyên, nghe âm lượng quá lớn, hoặc dùng tai nghe không phù hợp sẽ dẫn đến những nguy hại khôn lường đến sức khỏe. Đặc biệt, nhiều người đang sử dụng tai nghe sai cách, gây hại cho tai.
TS Dinh thông tin, tần suất đối tượng thanh thiếu niên ở những thành phố lớn sử dụng tai nghe rất cao, trung bình kéo dài từ 1-3 giờ/ ngày. Trong khi đó, để bảo đảm an toàn, không gây ảnh hưởng đến thính giác thì chỉ nên nghe trong 60 phút với cường độ âm thanh khoảng 60db. "Cần lưu ý, nếu ngưỡng nghe trên 85db thường xuyên thì khả năng điếc càng cao. Ví dụ, chỉ cần nghe nhạc trong 15 phút với tần số 120db sẽ gây điếc" – TS Dinh cảnh báo.
TS Dinh phân tích thêm, nghe trong môi trường yên tĩnh khác với nơi đông người. Ví dụ, trong môi trường yên tĩnh chỉ cần 50-60db là rõ nhưng với tần số này khi nghe nơi đông người, môi trường ồn ào buộc người sử dụng tai nghe phải tăng âm lượng. Lúc này, tác hại gấp 5 lần so với nghe trong môi trường yên tĩnh. Đây cũng là thói quen của nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh - thiếu niên. Khi vượt ngưỡng 85db sẽ gây suy giảm thính lực, thậm chí điếc đột ngột. Không điều trị sớm điếc đột ngột trong 72 giờ sẽ điếc, u tai vĩnh viễn.
Điều đáng nói, ảnh hưởng đến thính lực nhưng rất khó nhận biết vì nó tác động từ từ. Chỉ đến khi bệnh nhân bị các vấn đề về thính lực như ù tai, đau tai, không nghe được… mới đi khám, đo thính lực thì đã muộn, tổn thương đã trở thành vĩnh viễn.
“Đối với thanh thiếu niên, về lâu dài bị điếc không phục hồi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần. Bởi ở lứa tuổi này, các em vẫn còn học thêm các kỹ năng mới như ngôn ngữ, giao tiếp...” , TS Dinh cho biết.
Hơn nữa, đeo tai nhiều không chỉ ảnh hưởng tới não bộ gây mất thăng bằng, giảm khả năng suy nghĩ và ghi nhớ... mà còn gây nhiễm trùng tai, ráy tai, đau tai...
Vì vậy, những trường hợp có biểu hiện như ù tai, chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, đau tai, hoa mắt, nghe âm thanh khác lạ trong tai chỉ mình nghe thấy là biểu hiện của chấn thương âm thanh cấp tính cần đi khám ngay.
Cách sử dụng tai nghe an toàn
- Chọn mua tai nghe vừa vặn của mình. Nếu tai nghe có miếng bọc bên ngoài nên thay định kỳ mỗi tháng/lần.
- Thường xuyên vệ sinh tai nghe, tránh để ở những nơi mất vệ sinh.
- Khi nghe nhạc, không nên nghe quá to, giữ cường độ âm thanh không vượt quá 60% so với mức cao nhất.
- Cứ sau 15 phút đeo tai nghe nên bỏ ra để tai được nghỉ ngơi một chút. Không nên đeo tai nghe quá 2 giờ/ngày và đặc biệt không nên đeo khi đi ngủ.
- Người mắc bệnh về tai ngoài, tai giữa không nên đeo tai nghe lâu dài vì làm cho viêm tai dễ tái phát.
- Nếu đau tai, chảy nước trong tai phải đi khám ngay.
- Vệ sinh tai nghe thường xuyên cẩn thận bằng cách lau sạch lớp chất bẩn bên ngoài.