Bí đao tốt cho sức khỏe.
Nhiều nơi còn gọi bí đao là bí xanh vì ngoài vỏ có màu xanh. Bí đao chứa nhiều nước. Nghiên cứu cho thấy, trong 100g bí đao có 0,3g protein, 1,5g glucoza, ngoài ra còn có các nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, magiê, sắt và các loại vitamin B1, B2 và vitamin C.
Bí đao có nhiều thành phần nhưng lại cho năng lượng calo thấp. So với các loại rau củ quả khác, bí đao cung cấp dinh dưỡng thấp, phù hợp với người mắc bệnh mãn tính cần hạn chế chất đạm như tiểu đường, suy thận, suy gan…
Bí đao là thực phẩm dự trữ được lâu trong những ngày mưa to, bão tố. Bí đao ăn ngọt, mát, nấu nhanh mềm… nên hợp với trẻ em, người cao tuổi.
Mùa hè có thể luộc bí đao chấm muối vừng ăn rất ngon. Hoặc bốn mùa đều có thể nấu bí đao với nước luộc thịt, tôm nõn hoặc thịt nạc; bí đao xào thịt bò rất ngon và bổ.
Ngoài ra, người ta còn ép lấy nước bí đao làm nước giải khát…
Theo y học cổ truyền, bí đao có vị ngọt, tính mát, đi vào các kinh tâm, thận phế và đại trường.
Toàn bộ cây như hạt, vỏ, lá, thân, rễ đều có tác dụng chữa bệnh, nhất là những bệnh tim mạch, huyết áp, xơ vữa động mạch, béo phì, tiểu tiện ít, nóng trong, háo nhiệt, phù thũng của tuổi già.
Những người hay bốc hỏa lên đầu, nóng bừng mặt, tức ngực, khó thở, ăn uống kém, ăn không tiêu, mệt mỏi, kiên trì ăn bí đao hằng ngày sẽ có cảm giác ngon miệng, hết bồn chồn.
Đặc biệt, bí đao còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc do uống rượu, tác dụng lợi tiểu nhanh và nhiều.
Những người dư thừa mỡ máu, mỡ phủ tạng hay mỡ dưới da, dùng bí đao nấu ăn hằng ngày rất tốt.
Sở dĩ như vậy vì nghiên cứu cho thấy bí đao có thể hỗ trợ làm tan mỡ tích tụ lâu ngày trong cơ thể, làm cho tim đập đều và tốt hơn.
BSCK Nguyễn Kim Lan
(nguyên cán bộ Viện Châm cứu Trung ương)