Anh Nguyễn Văn H., 38 tuổi bị một chú chó nhỏ nuôi trong nhà cào vào chân cách đây 1 tháng. Vết cào rất nhỏ nên anh chủ quan, không đi tiêm phòng. Khi anh H. có cảm giác sợ nước, sợ gió rất rõ rệt, trạng thái kích động, tăng tiết nhiều đàm nhớt, co giật, gia đình đưa đi viện thì đã trong tình trạng suy hô hấp nặng, tụt huyết áp, tổn thương gan thận, phải thở máy, lọc máu...
Lời bàn: TS.BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc cào, liếm của con vật dại trên da bị tổn thương. Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, nếu không tiêm huyết thanh kháng dại sau khi bị chó dại cắn, cào chắc chắn tử vong (tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật).
Bệnh dại thường gia tăng vào mùa hè. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm. Vì thế, khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, cào phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng bằng văcxin hay huyết thanh kháng dại.