<div> <p>Tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, nơi có trên 30 cơ sở xuất khô cá lóc truyền thống được hình thành hàng chục năm nay, anh Nguyễn Thành Thức (28 tuổi), một trong những cơ sở cho biết, trước đây, số vảy cá này được người dân bỏ đi, đầu năm 2019 bỗng nhiên có người đến đặt vấn đề hỏi mua.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Bi an nhung thuong lai di mua vay ca hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/04/3153_vayca2(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Số vảy cá được người dân đựng trong túi nylon để bán. Ảnh: TBCK.</td> </tr> </tbody> </table> <p>“Ban đầu tôi cũng hiếu kỳ, hỏi mua để làm gì nhưng họ chỉ nói có người từ TP.HCM xuống thu mua. Việc mua này qua rất nhiều trung gian và cũng không biết rõ là ai. Những phế phẩm trước đây bỏ đi, nay có người mua nên tôi bán. Thương lái mua với giá 4.000 đồng/kg, mỗi ngày thu khoảng vài trăm nghìn”, anh Thức nói.</p> <p>Ngoài vảy cá lóc thì tất cả loại vảy cá khác thương lái thu mua hết, có bao nhiêu mua bấy nhiêu.</p> <p>Một người chuyên đi thu gom vảy cá tiết lộ: “Có người đến gặp và đặt mua vảy cá nên tôi có nhiệm vụ mua đem về kho bảo quản, cứ cách một ngày là có xe tải đến lấy hàng. Bản thân tôi không biết chữ, không biết biển số xe và cũng không hỏi mua vận chuyển đi đâu”.</p> <p>Trao đổi với <em>Tiền Phong</em>, ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết, qua làm việc, địa phương vẫn không biết nguyên nhân thương lái thu mua vảy cá để làm gì.</p> <p>“Huyện cũng đang chỉ đạo cho xã xem xét, mời những người này lên để làm rõ nhưng chưa có thông tin cụ thể. Đa số người thu mua là dân địa phương. Việc mua bán này đã diễn ra khá lâu, lúc đầu, vảy cá được mua với giá 500 đồng/kg, rồi tăng lên 7.000 đồng/kg, có thời điểm thương lái đẩy lên hơn 10.000 đồng/kg”, ông Hồng nói.</p> </div> <p> </p>