Bí ẩn loài cây “400 năm nở hoa một lần” trên Himalaya
T.B (tổng hợp)
Mọc ở độ độ cao 4000–4800 mét của dãy Himalaya, đại hoàng Sikkim (Rheum nobile) là một trong những loài thực vật độc đáo và ấn tượng nhất thế giới.
Đây là một trong những loài thực vật lớn nhất ở dãy Himalaya. Ảnh: Natural History Museum.
Đây là một loài cây thân thảo có lá mọc sát đất. Những chiếc lá của chúng mọc vòng quanh thân, có kích thước lớn, màu xanh lục, cuống lá và gân lá màu đỏ. Rễ cây dài 1-2 mét, bên trong màu vàng sáng. Ảnh: Jonty travels.
Điều làm nên sự đặc biệt cho đại hoàng Sikkim là những cụm hoa hình tháp có thể cao đến 2 mét, gồm một trục thẳng đứng với các lá bắc chồng lên nhau đều đặn, có màu vàng nhạt hoặc phớt hồng. Ảnh: Bhutan Pelyab Tours.
Những chiếc lá bắc của loài cây này có độ trong mờ, ánh sáng có thể xuyên qua, tạo ra hiệu ứng nhà kính, đồng thời có khả năng ngăn chặn bức xạ cực tím. Ảnh: Bhutan Biodiversity Portal.
Đây chính là đặc điểm tiến hóa giúp cây sinh tồn được trong điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt của vùng núi được mệnh danh là "nóc nhà" của thế giới. Ảnh: Bhutan Biodiversity Portal.
Lật lá bắc lên sẽ thấy các cụm hoa thật có kích thước nhỏ, màu đỏ, phủ kín trục hoa. Ảnh: Chinesealpines.com.
Sau khi nở hoa, toàn bộ cây dài ra và chuyển sang màu nâu nâu đỏ. Khi quả chín, lá bắc rụng đi, để lại một thân cây xù xì được bao phủ bởi những chùm quả rũ xuống màu nâu đậm. Ảnh: Balipara Foundation.
Trên không gian mạng, hình ảnh cây đại hoàng Sikkim thường được chỉa sẽ với thông tin sai rằng đây là "hoa Phật" nở 400 năm một lần. Trên thực tế, loài cây này nở hoa hàng năm vào tháng 6 và tháng 7. Ảnh: IGPOTY.
Một nhầm lẫn phổ biến khác là việc gọi cây đại hoàng Sikkim là một dạng bắp cải. Theo phân loại khoa học, chúng thuộc họ Rau răm (Polygonaceae), không có mối liên hệ gần gũi với các loài cải. Ảnh: RECOTRIP.
Đây là một trong những loài thực vật lớn nhất ở dãy Himalaya, nơi điều kiện tự nhiên ngặt nghèo khiến không nhiều loài thực vật có thể tồn tại. Chúng có thể được nhìn thấy từ cách xa hàng cây số ở địa hình trống trải. Ảnh: IDSeeds Farm.
Thân cây đại hoàng Sikkim có tính axit nhẹ và được người dân địa phương thu hoạch để thể chế biến thành các món ăn. Phần rỗng bên trong thân cây chứa nhiều nước, có thể uống được. Ảnh: Vegetation Science Blog.