Bí ẩn hiện tượng "sét hòn" gây “xoắn não” cả chuyên gia
T.B (tổng hợp)
Cho đến nay chưa có giải thích thấu đáo nào về bản chất, cơ chế hình thành sét hòn. Nhiều giả thuyết về nguồn gốc sét hòn được đưa ra như chúng là một loại khí cháy chậm, quả cầu không khí bị nung nóng do áp suất khí quyển,...
Được coi là hình thức hiếm nhất của hiện tượng phóng điện, sét hòn thường được mô tả như một quả bóng phát ra ánh sáng có thể trôi nổi trên bầu trời trong hàng chục giây đồng hồ một cách kỳ lạ.
Sét hòn xuất hiện hầu như không theo một quy luật nào. Chúng có thể được tạo ra từ một cơn mưa bão lớn, từ một tia sét, nhưng nhiều khi xuất hiện bất thình lình vào thời điểm thời tiết đẹp.
Sét hòn thường có dạng hình cầu, nhưng cũng có khi là hình trứng, hình giọt nước hoặc hình que. Ánh sáng mà sét hòn tỏa ra có màu từ đỏ tới vàng, đôi khi trong suốt và một vài quả còn có tia phát ra xung quanh.
Điều đáng sợ nhất về sét hòn là chúng có thể nổ trước khi biến mất, đôi khi gây ra thương vong cho con người và các công trình xây dựng. Sau khi phát nổ, sét hòn để lại trong không khí mùi của khí sulfur.
Các trường hợp tử vong do sét hòn phát nổ đã được ghi nhận từ hàng trăm năm trước. Trong cơn bão ở vùng Devon, nước Anh vào ngày 12/10/1638, bốn người đã thiệt mạng và 60 người bị thương do sét hòn nổ trong một nhà thờ đông người tụ tập.
Hiện tượng sét hòn đặc biệt nổi tiếng trong Chiến tranh thế giới II, khi chúng thường bay dọc cánh máy bay chiến đấu, gây khiếp sợ cho các phi công. Hiện tượng này được giới quân sự gọi là "foo fighter".
Trong thế kỷ 20, có rất nhiều báo cáo về hiện tượng sét hòn, như việc chúng bay vào nhà, lượn lờ trên lò nướng trong bếp, bay lang thang dọc lối đi các dãy ghế trong máy bay dân dụng, đuổi theo một chiếc ô tô, hoặc phát nổ làm cho hệ thống điện bị hỏng…
Hiện tượng sét hòn còn trở nên bí ẩn hơn khi một vài nhân chứng quả quyết họ đã nhìn thấy chúng đi xuyên qua cả những vật liệu được cho là cách điện rất tốt như thủy tinh hay composit.
Cho đến nay chưa có giải thích thấu đáo nào về bản chất và cơ chế hình thành sét hòn. Nhiều giả thuyết về nguồn gốc sét hòn đã được đưa ra như chúng là một loại khí cháy chậm, một quả cầu không khí bị nung nóng do áp suất khí quyển, một khối plasma mật độ rất cao, các hạt vũ trụ hội tụ…
Một số thí nghiệm khoa học đã tạo ra được hiện tượng tương tự sét hòn trong phòng thí nghiệm bằng những phương pháp khác nhau. Nhưng người ta vẫn chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa các thí nghiệm này với hiện tượng sét hòn xảy ra trong tự nhiên.
Một số nhà khoa học còn phủ nhận sự tồn tại của sét hòn, cho rằng nó chỉ là sự sai lệch của các giác quan ở con người trong một số điều kiện nhất định.
Tuy nhiên đã có những đoạn phim ghi lại hiện tượng sét hòn, nên dù muốn hay không chúng ta vẫn phải công nhận sét hòn là một lỗ hổng trong kiến thức của con người đương đại và hi vọng rằng sẽ đến lúc lỗ trống này được lấp đầy...
Mời quý độc giả xem video: Ai Cập phát hiện thêm kho báu cổ đại với hơn 100 quan tài chứa xác ướp 2.500 năm | VTV24.