Bí ẩn bức tượng pharaoh Ai Cập ngồi trong lòng “người lạ"
Tâm Anh (theo LS)
Được khai quật vào những năm 1850, bức tượng tạc pharaoh Ai Cập ngồi trong lòng "người lạ" trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều chuyên gia.
Bảo tàng Quốc gia Scotland lưu giữ và trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật, cổ vật... quý hiếm. Trong số này, nhiều chuyên gia đặc biệt chú ý đến một bức tượng tạc pharaoh Ai Cập ngồi trong lòng "người lạ".
Bức tượng trên được nhóm nghiên cứu của nhà khảo cổ Scotland Alexander Henry Rhind khai quật tại Deir el-Medina, Ai Cập vào những năm 1850.
Điều khiến giới nghiên cứu cảm thấy khó hiểu là vì sao một pharaoh Ai Cập được tạc tượng cùng với một "người lạ". Trong suốt nhiều năm, họ nỗ lực giải mã danh tính của họ và vì sao người Ai Cập thời cổ đại lại tạo ra bức tượng như vậy.
Margaret Maitland, người phụ trách chính về Địa Trung Hải cổ đại tại Bảo tàng Quốc gia Scotland, cho hay đó là một tác phẩm điêu khắc từ đá vôi. Pharaoh Ai Cập trong bức tượng bí ẩn trên không được chạm khắc theo kích thước thật. Tuy nhiên, ông hoàng này đội vương miện màu xanh lam với một con rắn phía trên - biểu tượng quyền lực của pharaoh.
Trong khi đó, "người lạ" ở phía sau pharaoh được các nhà nghiên cứu nhận định nhiều khả năng không thuộc hoàng tộc Ai Cập.
Theo bà Margaret, bức tượng tạc pharaoh Ai Cập ngồi trong lòng "người lạ" có thể khắc họa pharaoh Ramesses II và Ramose - người ghi chép cấp cao.
Trong thời kỳ pharaoh Ramesses II trị vì Ai Cập (khoảng năm 1279 trước Công nguyên - 1213 trước Công nguyên), một giáo phái thờ tượng dành cho nhà vua đã phát triển mạnh mẽ tại Deir el-Medina.
Việc thờ cúng và tạc tượng pharaoh được hoàng gia Ai Cập khuyến khích. Một số nhân vật quyền lực và giàu có sống tại Deir el-Medina khi đó được phép miêu tả pharaoh theo cách mà những người ở nơi khác không thể.
Vậy nên, việc tạc tượng pharaoh cùng với người không thuộc hoàng gia dưới thời pharaoh Ramesses II tại Deir el-Medina là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bà Margaret suy đoán danh tính người đang quỳ ở phía sau pharaoh là Ramose xuất phát từ việc người này đeo vòng hoa - một món đồ hiếm với nam giới ở Ai Cập cổ đại. Trước đó, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một bức tượng gỗ tại Deir el-Medina khắc họa Ramose đeo vòng hoa. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của bà Margaret tin rằng "người lạ" đó thực sự là Ramose.
Mời độc giả xem video: Hé lộ vẻ “đẹp trai” của Pharaoh quyền lực nhất Ai Cập cổ đại.