Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo quảng cáo sai chức năng, lừa dối khách hàng

Danh sách phạm vi hoạt động đã đăng ký của Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo thể hiện rõ nội dung không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể... nhưng Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo vẫn quảng cáo sai chức năng, lừa dối khách hàng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu của Khoa học và Đời sống, Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh số 290/BYT-GPHĐ ngày 30/11/2020 với hoạt động chuyên môn theo giấy phép là: “Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai”.

bv-tham-my-gangwhoo-tu-gioi-thieu-cac-thu-thuat-thuc-hien-thu-thuat-tham-my-1-(1).jpg
Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo tự giới thiệu các thủ thuật thẩm mỹ được thực hiện. 

Không được phép lấy mỡ cơ thể nhưng... vẫn thực hiện

Qua tra cứu thông tin cấp phép hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh của Sở Y tế TPHCM, danh sách phạm vi hoạt động đã đăng ký cũng thể hiện rõ nội dung: “Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể”.

Tuy nhiên, hút mỡ bụng đã được BS Phùng Mạnh Cường quảng cáo, đăng tin một cách công khai.

Ngày 20/5/2021, Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo đã bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn trong giấy phép hoạt động và buộc gỡ bỏ những quảng cáo sai phạm.

Khoảng 5 tháng sau, ngày 16/10/2021, bà N.T.N.T. đã thực hiện “phẫu thuật hút mỡ bụng” tại Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo và sau đó đã tử vong dù được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (vào ngày 18/10).

Kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM: Bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nhiễm độc, biến chứng suy đa cơ quan, viêm cân hoại tử thành bụng, hậu phẫu hút mỡ bụng ngày 3, bệnh lý tăng huyết áp.

Theo thông tin tra cứu, người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo là ông Lê Sơn Lâm, phạm vi hoạt động là “Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Tai mũi họng” với văn bằng “Y đa khoa. Tai mũi họng”.

bv-tham-my-gangwhoo-tu-gioi-thieu-cac-thu-thuat-dieu-chinh-voc-dang-tren-nguoi-1-.jpg
Trên trang web của mình, Bệnh viện GangWhoo tự giới thiệu các thủ thuật điêu chỉnh vóc dáng trên người hoàn toàn... không có hút mỡ bụng.

Danh mục kỹ thuật chỉ là để thanh toán chi phí bảo hiểm

Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo có thể đăng ký khoảng 500 danh mục kỹ thuật. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Điều 4 của Thông tư 50/2014/TT-BYT, áp dụng danh mục phân loại phẫu thuật, thủ thuật: “Danh mục phân loại phẫu thuật, thủ thuật là căn cứ để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chi trả chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và các kỹ thuật tương đương phẫu thuật, thủ thuật theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch”.

Ngoài ra, ngày 24/6/2016, căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng Danh mục Kỹ thuật Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế, ý kiến góp ý của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đề xuất của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã ký Quyết định số 3025/QĐ-BYT ban hành Danh mục các dịch vụ kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện (Đợt 5) giữa Thông tư số 43/2013/TT-BYT, Thông tư số 50/2014/TT-BYT với Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT- BTC.

Qua đó, các dịch vụ kỹ thuật và các dịch vụ kỹ thuật có tên trong Danh mục tương đương sẽ sử dụng “Mã tương đương” để làm mã dịch vụ trong kết xuất dữ liệu, những kỹ thuật không có tên trong Danh mục tương đương sẽ được gắn mã theo nguyên tắc hướng dẫn tại Quyết định 5084/QĐ-BYT.

Ví dụ, trong tạo hình thẩm mỹ, phẫu thuật tái tạo thành bụng phức tạp sẽ có mã là “478”, Phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn phần kết hợp hút mỡ bụng có mã “479”, Gây tê phẫu thuật chỉnh hình vùng đầu mặt cổ có mã “3463”…

Để thống nhất áp dụng danh mục trong quản lý chuyên môn và thanh toán BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, Bộ Y tế đã có công văn số 376/KCB-NV ngày 8/4/2016 về việc phê duyệt DMKT trong KCB đối với các cơ sở khám bệnh chữa bệnh theo Thông tư 43/2013/TT-BYT.

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT và thanh toán phụ cấp phẫu thuật cho nhân viên y tế, đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố phê duyệt danh mục kỹ thuật cho các đơn vị dựa trên Thông tư 50/2014/TT-BYT.

Cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để khởi tố vụ án

Theo Luật sư Phan Thanh Bình, Đoàn Luật sư TPHCM, chương IV đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, theo điều 44, nội dung của giấy phép hoạt động bao gồm: Tên, hình thức tổ chức, địa điểm hoạt động; Phạm vi hoạt động chuyên môn; Thời gian làm việc hằng ngày.

luat-su-phan-thanh-binh.jpg
Luật sư Phan Thanh Bình, Đoàn Luật sư TPHCM.

“Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoàn toàn không đề cập đến các danh mục kỹ thuật mà chỉ nói đến phạm vi hoạt động chuyên môn. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn phải làm thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động”, Luật sư Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Do vậy, theo Luật sư Thanh Bình, việc Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo và BS Phùng Mạnh Cường quảng cáo về chức năng hút mỡ bụng để thu hút khách hàng là hành vi lừa dối khách hàng, làm cho khách hàng tin tưởng vào chức năng không có thật của bệnh viện, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.

Cụ thể, khoản 3 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định rất cụ thể về các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi “cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu”.

Do đó, theo Luật sư Phan Thanh Bình, trường hợp cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ vượt quá phạm vi hoạt động đã đăng ký, dẫn đến hậu quả chết người, cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để khởi tố vụ án với hành vi của “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” được quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự để xác định trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

Đây rõ ràng là bài học vô cùng đắt giá cho các bác sĩ vì lợi nhuận mà hành nghề bất chấp đạo đức và pháp luật; là bài học cho các bệnh nhân gửi tính mạng - sức khỏe cho các tổ chức khám chữa bệnh không đúng chức năng.

Những bệnh viện thẩm mỹ như Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo hay thẩm mỹ viện ở Q.1 vừa gây ra chết người sau hút mỡ bụng ngày 8/12, ai là người đứng ra cấp phép?

Ai giám sát, hậu kiểm các hoạt động chuyên môn mà lại để những thẩm mỹ này hoạt động ngang nhiên, thậm chí xảy ra chết người như vậy?

“Vợ của tôi đã mất được 52 ngày với kết luận là viêm cân mạc hoại tử sau hút mỡ bụng 3 ngày. Sự việc rõ như vậy rồi, sao không có công an vào cuộc. Tôi chỉ nghe nói mà không thấy thư mời nào để tôi được làm việc, trình bày những uất ức của vợ tôi đã chết thảm và đau đớn của gia đình”, ông B.N.V. nói.

Hiện nay, luật sư và gia đình ông đang soạn thảo các đơn thư kêu cứu và chứng cứ để gửi đến Bộ Y tế và cả Thanh tra Chính phủ. Từ đó, ông sẽ đưa sự vụ ra tòa, kiện Bệnh viện Thẩm mỹ GangWhoo.

Ông B.N.V., chồng nạn nhân N.T.N.T.

Theo Đời sống
back to top