<div> <p>Đội phản ứng nhanh lần này gồm 13 y bác sĩ của nhiều khoa, phòng khác nhau như: Hồi sức cấp cứu, Cấp cứu, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh nhiệt đới, Thận nhân tạo, Sinh hóa, Vi sinh.</p> <figure class="gallery-embed embedded-entity image process-filter-image align-center"> <div><picture><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/19/media-vov-vn_cr_0.jpg" /></picture></div> <figcaption>Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy họp khẩn Đội phản ứng nhanh trước khi lên đường.</figcaption> </figure> <p>Tại Kiên Giang, Đội phản ứng nhanh phối hợp cùng chính quyền, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Ban Chỉ đạo phòng chống Covid -19 địa phương khảo sát, phân luồng, xây dựng khẩn cấp 2 bệnh viện dã chiến ở Thành phố Hà Tiên (quy mô khoảng 300 - 500 giường) và Thành phố Rạch Giá (có thể trên 500 giường).</p> <p>Đồng thời, Đội phối hợp xây dựng một Đơn vị Hồi sức tích cực (ICU) với đủ các trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng (bao gồm cả hệ máy ECMO- tim phổi nhân tạo, lọc máu, chạy thận nhân tạo) tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên – nơi được xác định là đơn vị tuyến đầu tại địa phương trong tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.</p> <figure class="gallery-embed embedded-entity image process-filter-image align-center"> <div><picture><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/19/media-vov-vn_cr_2.jpg" /></picture></div> <figcaption>Các Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy từng đến nhiều địa phương hỗ trợ Công tác ngăn chặnCovid- 19.</figcaption> </figure> <p>Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh – Phó Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, Đội trưởng cho biết, việc chi viện cho Kiên Giang lần này chủ động về thời gian, có quãng thời gian để xây dựng hệ thống hồi sức tích cực và bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở mặt bằng tại Thành phố Hà Tiên chưa có sẵn, cần có sự lựa chọn phù hợp, lên kế hoạch chi tiết về nhân sự, máy móc trang thiết bị, thuốc để đơn vị địa phương có kế hoạch chuẩn bị.</p> <p>"Chúng ta cũng phải tính toán đến việc hiện nay các nước bạn như Thái Lan, Campuchia, đang bùng phát dịch sau đó gỡ bỏ phong tỏa, thì một lực lượng người Việt Nam trở về. Chúng ta cũng phải trên tinh thần chủ động và triển khai nhanh để xây dựng những bệnh viện nhanh nhất có thể", bác sỹ Trần Thanh Linh nói.</p> <p>Trước đó, trong chuyến làm việc với tỉnh Kiên Giang ngày 18/4, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP.HCM sẽ là hai đơn vị chủ lực hỗ trợ năng lực chăm sóc điều trị và xét nghiệm cho các địa phương biên giới Tây Nam, đặc biệt là Kiên Giang, trong phòng chống dịch Covid-19.</p> <p>Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng địa phương xây dựng các phương án thành lập các khu vực điều trị có thể tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nặng đến rất nặng; tập huấn, hướng dẫn để ngành y tế địa phương có thể làm chủ các kỹ thuật khó trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, hay thậm chí là kỹ thuật ECMO để thực hiện tốt đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Bộ giao Viện Pasteur TP.HCM làm việc với địa phương để hỗ trợ thiết lập các labo xét nghiệm đủ tiêu chuẩn tại Hà Tiên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nâng cao năng suất và năng lực xét nghiệm tại chỗ./.</p> </div> <p> </p>