TS.BS Nguyễn Nam Hà, giảng viên Bộ môn Tai mũi họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM khuyến cáo, các bệnh liên quan đến tai mũi họng thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em. Nhiều yếu tố gây ra bệnh tai mũi họng ở trẻ: có thể do thay đổi thời tiết, khí hậu, vệ sinh môi trường, khói bụi hoặc do sức đề kháng của trẻ yếu…
Bệnh liên quan đến tai mũi họng là nhóm bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em. Ảnh minh họa:AQ |
Biểu hiện viêm mũi họng cấp đầu tiên ở trẻ là sổ mũi, hắt hơi, nhức đầu, mỏi tay chân, kèm theo sốt hoặc sốt cao có thể lên đến 39 - 40 độ C và đau họng khi nuốt...Ngoài ra, trường hợp viêm mũi họng cấp do virus sẽ có các biểu hiện như tiêu chảy, phát ban dạng virus, viêm kết mạc… Đây là một trong các dấu hiệu nguy hiểm cho trẻ em vì nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang mạn tính và tái phát nhiều lần. TS.BS Nguyễn Nam Hà khuyến cáo, các bệnh nhi mắc bệnh viêm họng cấp cần được điều trị đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ, phụ huynh không được tự chẩn đoán bệnh và tự dùng thuốc khiến bệnh của trẻ biến chứng xấu hơn.
Để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn và phòng tránh các bệnh về viêm đường hô hấp cấp ở trẻ, việc chăm sóc tai mũi họng hằng ngày là rất cần thiết. Nên duy trì thói quen súc họng bằng nước muối sinh lý tối thiểu 5 lần/ngày và dùng dung dịch rửa mũi 3 lần/ngày.
Ngoài ra, phụ huynh cần nhắc nhở trẻ hạn chế chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay để phòng lây nhiễm, ngừa truyền bệnh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch rửa tay nhanh, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và tránh dùng tay sờ vào khẩu trang nhiều lần.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh viêm đường hô hấp trên như cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi… gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm. Một em bé dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp trên 4 - 6 lần trong một năm, điều này có thể khiến trẻ suy giảm sức khỏe, chậm phát triển cả thể chất và trí tuệ.