Hỏi: Ông em bị sỏi thận, đến giờ bố em cũng bị và còn đái cả ra máu. Xin bác sĩ cho biết, như vậy có nguy hiểm không?
Nguyễn Chế Nghĩa (Ba Vì, Hà Nội)
PGS.TS.BS Trần Đình Ngạn, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103: Mắc sỏi thận không thể coi thường, nhiều trường hợp được coi là cấp cứu bởi nếu sỏi thận gây tắc nghẽn khiến bể thận bị căng chướng, giãn rộng sẽ gây suy giảm chức năng thận. Những người trong gia đình có người mắc sỏi thận càng nên chú ý đến bệnh hơn bởi sỏi thận có thể gây vỡ thận hoặc viên sỏi di chuyển gây trầy xước niêm mạc, nhiễm khuẩn ngược dòng, viêm thận, bể thận, suy thận. Với sỏi niệu quản, niệu đạo dù kích thước nhỏ vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, đặc biệt là khi viên sỏi làm cản trở lưu thông nước tiểu hoặc gây sưng viêm, phù nề, làm giãn phình các vị trí phía trên so với viên sỏi. Nếu đã đi khám, đã làm các xét nghiệm, nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh hậu quả đáng tiếc.