<div> <p>Sáng 18/10, trao đổi với <em>Zing.vn</em>, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã tiếp nhận thông tin về trường hợp bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS (phường 12, quận 10, TP.HCM). Sở Y tế đã cử thanh tra xuống hiện trường để xác minh, niêm phong thuốc, hồ sơ để điều tra vụ việc.</p> <p>Trước đó, bệnh nhân tử vong sau khi nâng ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS, do bác sĩ tên V.H. thực hiện. Theo <em>Thanh Niên</em>, nạn nhân là V.N.A.T. (33 tuổi). Sau 5 tiếng đặt túi ngực, người này có biểu hiện ngưng tim, ngưng thở và tử vong đêm 17/10.</p> <p>Theo ghi nhận của <em>Zing.vn</em>, 10h ngày 18/10, Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS hoạt động bình thường. Một số khách hàng vẫn đến thăm khám và đặt lịch. Khi phóng viên liên hệ làm việc, nhân viên lễ tân cho biết lãnh đạo không có ở bệnh viện nên chưa thể cung cấp thông tin.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Benh nhan tu vong sau khi nang nguc tai Benh vien EMCAS TP.HCM hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/14/emcas_zing.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Trương Khởi.</td> </tr> </tbody> </table> <p>TS Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho hay phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn là phương pháp thông dụng, có độ an toàn cao nhưng tiềm ẩn rủi ro. Chọn địa chỉ thẩm mỹ tin cậy là nguyên tắc rất quan trọng. Thực tế, nhiều vụ tai biến, thậm chí khách tử vong do làm tại các cơ sở mà người thực hiện thiếu kinh nghiệm.</p> <p>Trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, hai kỹ thuật được quan tâm nhiều nhất là gây tê và gây mê. Thường gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện tư, nhưng gây mê phải làm ở bệnh viện với đội ngũ bác sĩ có tay nghề và trang thiết bị đầy đủ.</p> <p>Việc gây tê không thử thuốc trước sẽ tiềm ẩn nguy cơ sốc phản vệ. Bệnh nhân gặp phải tình trạng này, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ đe dọa tính mạng khá cao.</p> <p>Những phẫu thuật gây chảy máu nhiều cũng khá nguy hiểm. Khi phẫu thuật nâng ngực, quá trình cầm máu không tốt, tràn máu, khí vào khoang phế mạc, gây ép phổi cũng là biến chứng nguy hiểm. Một vấn đề cần chú ý trong quá trình gây mê là không để ý nồng độ oxy tụt xuống quá thấp.</p> <p>Chuyên gia này khuyến cáo: “Chị em cần chọn bác sĩ có tay nghề cao, có kinh nghiệm. Hơn nữa, cơ sở phẫu thuật mà bệnh nhân chọn phải có đủ trang thiết bị và đông bác sĩ, y tá tham gia”.</p> <p>Trong một báo cáo tại Hội nghị thẩm mỹ Pháp - Việt được tổ chức tại Đại học Y Hà nội tháng 10/2015, tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật nâng ngực là 5,8% trên tổng số 1.561 túi độn ngực. Các biến chứng sớm sau mổ (tụ máu, nhiễm trùng, tách vết mổ) là 2,3%. Các biến chứng muộn như vỡ túi silicone là 2%, túi giọt nước bị xoay là 0,5%, co bao xơ là 1%.</p> <p><em>Quy trình đặt túi độn ngực:</em></p> <p>- Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân về việc chọn túi ngực thích hợp (loại gel, kích thước, hình dáng).</p> <p>- Bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó được gây mê toàn thân.</p> <p>- Để đặt túi silicone gel theo kích cỡ mong muốn, bác sĩ phải mở một đường rạch trên 4 cm. Có 3 đường rạch để đưa túi gel vào ngực chị em, bao gồm đường nách, đường quầng và đường nếp vú. Bệnh nhân có quầng vú rộng, bác sĩ có thể thực hiện qua đường quầng vú. Những bệnh nhân mới lớn nên chọn đường nách. Người có khuôn ngực chảy xệ mức độ nhẹ nên mổ qua đường nếp vú.</p> </div> <p> </p>