Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn phải lọc máu liên tục

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 24/8, theo TS.BSCKII Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, tình trạng bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn đã khá hơn, vẫn thở máy nhưng trao đổi oxy ở phổi cải thiện; tình trạng sưng nề và hoại tử mô không lan thêm; tổn thương thận cấp đang được lọc máu liên tục.

5 ngày trước đó, trong khi bắt rắn, bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn vào đùi và được gia đình chở vào Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu rồi chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã cho bệnh nhân sử dụng 15 lọ huyết thanh kháng nọc rắn, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt.  

Bệnh nhân bị rắn cắn đang phải lọc máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Bệnh nhân bị rắn cắn đang phải lọc máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Tuy nhiên, sau đó, nọc độc của rắn khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng suy đa cơ quan gồm suy thận, suy gan, viêm cơ tim, chỉ số bạch cầu thấp. Bệnh nhân đã được chuyển từ Khoa Bệnh Nhiệt đới sang Khoa Hồi sức Cấp cứu, được lọc máu chậm liên tục (CRRT), thở máy và duy trì an thần, vết thương quanh vết cắn bị nhiễm trùng và hoại tử.

Trung bình mỗi năm, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, tiếp nhận khoảng 1.000 ca bị rắn độc cắn và chưa có ca nào tử vong. Theo BSCKI Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, đa số trường hợp bị rắn cắn thường gặp nhiều nhất vào mùa mưa. Khi bị rắn cắn, chúng ta không nên rạch vết thương; không nên đắp các loại hóa chất hoặc lá cây lên chỗ bị cắn mà ngay lập tức vào các cơ sở y tế chính quy để được xử trí phù hợp.

Theo Đời sống
back to top