<div> <p>Oanh là con đầu trong gia đình có hai chị em, bố mất sớm. Bốn năm trước, cô sang Thái Lan làm nhân viên cho một quán rượu ở Bangkok. Giữa tháng 2, khi Covid-19 lan rộng ở Thái Lan với hơn 1.500 ca nhiễm và 9 người tử vong, nhà chức trách sở tại siết chặt nhiều biện pháp đối với người nước ngoài để chống dịch. Quán rượu nơi Oanh làm việc đóng cửa, cho nhân viên nghỉ.</p> <p>Ngày 17/3, trước khi về Việt Nam tránh dịch, Oanh đến quán bar ở Bangkok gặp cô bạn 17 tuổi quê ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An, để chia tay.</p> <p>Sáng 20/3, Oanh về nước trên chuyến bay TG947, từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi, đến Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trưa cùng ngày. Cô cách ly ngay, tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng (Quân khu 5).</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" data-widget="obj"> <tbody> <tr> <td><img alt="Trần Thị Oanh. Ảnh: NVCC" src="https://khds.1cdn.vn/2020/03/16/benh-nhan-oanh-4225-1585800536.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Trần Thị Oanh. <em>Ảnh nhân vật cung cấp.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Sáng 22/3, Oanh được lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Tối cùng ngày, khi một cán bộ y tế vào phòng cách ly tập trung yêu cầu cô sắp xếp hành lý để chuyển sang phòng khác, Oanh "có linh cảm chẳng lành, nhưng không dám hỏi".</p> <p>"Tới phòng cách ly riêng, bác sĩ thông báo em nhiễm nCoV", Oanh kể. Thông tin như sét đánh ngang tai với cô gái trẻ. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập ập tới trong đầu: "Mình nhiễm bệnh từ khi nào, lây từ ai. Tại sao mắc bệnh mà cơ thể luôn tốt, ăn ngủ bình thường, không ho, sốt...".</p> <p>Sáng 23/3, Oanh được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tối cùng ngày, khi Bộ Y tế công bố nhiều ca nhiễm nCoV mới, trong đó có "<span>bệnh nhân 122</span>" quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Nhiều người nhận ra Oanh nên liên tục gọi điện thoại và nhắn tin qua mạng xã hội hỏi thăm.</p> <p>"Lúc nhận kết quả em gọi điện thông báo tình trạng cho mẹ, sau đó nằm nghỉ song trằn trọc cả đêm không thể chợp mặt. Em không biết mình bị nhiễm bệnh, nên cầu mong cho những người trước đó từng tiếp xúc với mình được an toàn. Khi bạn bè và người thân động viên, khuyên nên tự tin, đừng dằn vặt bản thân, em cảm thấy được an ủi", Oanh cho hay.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" data-widget="obj"> <tbody> <tr> <td><img alt="Khu vực cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi Oanh đang điều trị. Ảnh: Nguyễn Đông" src="https://khds.1cdn.vn/2020/03/09/khu-cach-ly-8680-1585800536.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Khu vực cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi Oanh đang điều trị. Ảnh: <em>Nguyễn Đông</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Hai hôm sau, hay tin cô bạn mình gặp ở Bangkok cũng nhiễm nCoV, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa cửa khẩu quốc tề Cầu Treo, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, Oanh đã liên lạc động viên bạn cố gắng vượt qua cú sốc. Cả hai trò chuyện nhiều giờ, phân tích mãi, cuối cùng cũng không biết nguồn lây nhiễm từ đâu. Thay vì đổ lỗi cho nhau, cả hai dặn nhau nên giữ vững tinh thần để chiến thắng bệnh tật.</p> <p>Sau 10 ngày điều trị, Oanh sức khỏe bình thường, ngày 30/3 được lấy mẫu xét nghiệm nCoV và đang chờ kết quả. Cô gái 24 tuổi cảm thấy rất biết ơn khi được đội ngũ y tế chăm sóc tận tình, chu đáo. Trước bữa ăn, điều dưỡng đều hỏi Oanh thích ăn món gì để chuẩn bị. Cô chia sẻ "các suất cơm rất ngon, ngoài những món ăn đủ chất dinh dưỡng còn có thêm sữa, trái cây".</p> <p>"Nếu không may mắc bệnh, mọi người đừng quá sốc, nên bình tĩnh và tuân thủ đúng phác đồ điều trị", Oanh nhắn nhủ.</p> <p>Cô gái trẻ dự định sau khi khỏi bệnh sẽ về quê nghỉ ngơi một thời gian, sau đó mới tính tiếp những dự định cho tương lai.</p> <p>Đến sáng 2/4, Việt Nam ghi nhận 222 ca nhiễm nCoV, 64 bệnh nhân đã khỏi.</p> <p> </p> </div> <p> </p>