Bệnh mạch máu lớn (bệnh tim mạch) ở người tiểu đường được chia ra 3 nhóm: Bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi (chủ yếu là bệnh mạch máu chi dưới).
Bệnh mạch vành: Bệnh lý mạch vành có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng: Cơn đau thắt ngực; Thiếu máu cơ tim (thường là biểu hiện bằng những cơn đau lan lên hàm, cánh tay và vai); Suy tim (khi cơ tim bị hủy hoại); Chết đột ngột;.... Ở người trẻ, bệnh mạch vành có thể kết hợp với đau ngực và suy tim sung huyết. Đa số những người đái tháo đường, có thiếu máu cơ tim nhưng không có triệu chứng đau ngực, đặc biệt ở những người có bệnh lý thần kinh thực vật ở tim. Khi khám lâm sàng thấy tình trạng suy tim sung huyết hoặc việc kiểm soát glucose máu đột nhiên kém đi, phải nghĩ đến bệnh lý mạch vành để tiến hành những thăm dò cần thiết như: nghiệm pháp gắng sức, ghi xạ hình... để có phương án điều trị kịp thời.
Có thể điều trị ngoại khoa hoặc nội khoa bằng dùng các thuốc như aspirin, nitrat, các thuốc chẹn kệnh calci và chẹn kênh beta chọn lọc trên tim. Chụp mạch vành là cần thiết, nhất là khi có ý đồ đặt cầu nối. Theo nhiều nghiên cứu, can thiệp bằng phương pháp bắc cầu có tiên lượng tốt hơn là tạo hình mạch. Phương pháp bắc cầu làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch, nhưng phương pháp tạo hình mạch thì không. Gần đây, người ta còn tiến hành thủ thuật cắt bỏ lớp áo trong của động mạch - nhưng phẫu thuật này chỉ được áp dụng với động mạch lớn, như động mạch cảnh chẳng hạn.
Bệnh mạch não: Thường gặp nhất là đột quỵ do: Huyết khối gây tắc mạch; Chảy máu; Nghẽn mạch. Cục máu đông theo dòng máu đến làm tắc mạch gây hoại tử. Các triệu chứng: Có thể gặp cơn hoa mắt, chóng mặt, mất khả năng nhìn thoáng qua, nói lắp, bại hoặc yếu chân hoặc tay, dị cảm ở chân hoặc tay. Có thể nghe thấy tiếng thổi ở động mạch cảnh. Thăm dò bằng siêu âm doppler có thể thấy tổn thương xơ vữa ở động mạch cảnh.
Có thể dùng aspirin với liều 325mg/ngày để phòng ngừa được những triệu chứng này tái phát. Các chất chống đông cũng được dùng sau khi người bệnh có triệu chứng mạch máu. Chụp mạch thường được chỉ định khi có ý định can thiệp bằng phẫu thuật làm cầu nối, song có điều cho đến nay kết quả của biện pháp can thiệp này còn hạn chế.
Bệnh mạch máu ngoại vi: Thường thấy ở những người bệnh có đau ở mông, đùi, bắp chân khi luyện tập, đôi khi cả lúc nghỉ ngơi (dấu hiệu đau cách hồi) hoặc khi khám bệnh thấy mạch đập yếu ở chi dưới. Để chẩn đoán xác định phải dùng doppler mạch.
Về điều trị người ta thưòng dùng pentoxifyllin aspirin phối hợp với luyện tập có thể cải thiện được tiên lượng. Trường hợp có tiên lượng xấu là đau cả khi nghỉ ngơi, hoặc người bệnh có nhiễm trùng, hoại tử, phải xét khả năng phẫu thuật tạo cầu nối phòng cắt cụt. Các tổn thương mạch máu ở ngưòi bệnh đái tháo đường sẽ tăng lên nếu kèm thêm các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá lipid hoặc hút thuốc lá. Người thày thuốc lâm sàng phải thăm khám kỹ, phát hiện triệu chứng sớm, can thiệp kịp thời để hạn chế hậu quả xấu do các tai biến gây ra cho ngưòi bệnh.
PGS.TS Tạ Văn Bình (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư)