Bệnh ho mùa đông

(khoahocdoisong.vn) - Đông y cho rằng, năm tạng, sáu phủ đều có thể làm cho người ta sinh ra chứng ho. Nhưng chủ yếu là do các tạng tỳ, phế, thận. Vì tỳ là nguồn gốc sinh ra đờm, phế là chỗ chứa đờm. 3 tạng ấy có quan hệ với nhau rất chặt chẽ, cho nên khi bị bệnh là có liên quan với nhau.

Chứng ho có 2 nguyên nhân, ngoại nhân và nội nhân. Chứng ho Đông y gọi là khái thấu. Khái là ho nhưng không có đờm, bệnh phát ra từ thận. Thấu là không ho nhưng có nhiều đờm, bệnh thường phát ra từ tỳ nhưng phần nhiều ho có đờm nên mới gọi là khái thấu.

Ho do ngoại cảm: Mùa đông bị nhiễm lạnh, phong hàn nhập vào phế, làm cho phế khí ủng tắc lại, không tuyên thông. Triệu chứng, ho ngứa cổ, đờm loãng màu trắng, ngạt mũi, chảy nước mũi trong, sợ rét, phát sốt, đau đầu, đau khắp mình mẩy, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn. Điều trị, tán phong hàn, tiêu đờm. Bài thuốc: Chỉ thấu tán: Kinh giới 12g, tử uyển 12g, cát cánh (sao) 12g, bách bộ 12g, trần bì 8g, chích thảo 4g, sinh khương 12g. ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Tuy là mùa đông những hôm trời nắng nóng, bệnh nhân bị cảm phong nhiệt nung nấu tân dịch,  làm phế khí bế tắc sinh chứng ho. Triệu chứng, bệnh nhân ho nhiều đờm màu vàng nhưng khó khạc ra, mặt đỏ, miệng khát, sốt cao, ra mồ hôi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác. Điều trị, tân lương giải biểu, trừ ho hóa đờm. Bài thuốc Tang cúc ẩm gia giảm: Tang diệp 12g, cúc hoa 6g, bạc hà 6g, lô căn 8g,  hạnh nhân 8g, cát cánh 8g, cam thảo 4g, liên kiều 8g. Ngày uống một thang, đổ 3 bát nước sắc lấy 1,5 bát chia hai lần uống trong ngày, uống trước khi ăn sáng và ăn tối, uống liên tục 5 ngày.

TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top