SAR-CoV-2 xâm nhập vào tế bào gan
Covid-19 gắn kết và xâm nhập vào tế bào đích thông qua men chuyển angiotensin 2 (ACE2) và men này hiện diện ở các tế bào biểu mô gan, tế bào ống mật. Do vậy, virus có thể xâm nhập vào các tế bào gan và ống mật.
Ở những người bệnh nhập viện mắc Covid-19, người ta ghi nhận có tình trạng tăng men gan, trong đó tăng AST và ALT được ghi nhận khoảng 14 - 83% trường hợp nhưng thường tăng dưới 2 lần mức trên giá trị bình thường. Trong khi đó, tăng phosphatase kiềm và gamma glutamyl transferase (GGT) ít gặp hơn với tỷ lệ lần lượt là 6% và 21%. Ngoài ra, bilirubin toàn phần có thể tăng ở mức độ nhẹ đến vừa.
Tăng men gan phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan, có thể do virus trực tiếp gây ra hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, các thuốc được dùng để kiểm soát triệu chứng Covid-19 cũng có thể gây độc cho gan, nhưng hiếm khi dẫn đến phải ngừng điều trị. Tỷ lệ của tổn thương gan do thuốc (gồm remdesivir và tocilizumab) ở người bệnh Covid-19 là 25,4%.
Người bệnh Covid-19 có tăng men gan thường nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn so với người bệnh không có tăng men gan. Tuy nhiên, tổn thương gan trong các trường hợp Covid-19 nhẹ thường không cần điều trị đặc hiệu ngoài việc chăm sóc hỗ trợ, nâng đỡ.
PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. |
Những người bị xơ gan, nhất là xơ gan mất bù, nếu nhiễm Covid-19 sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng, thời gian nằm viện kéo dài và tỷ lệ tử vong tăng cao hơn so với người bệnh không xơ gan. Do vậy, người bệnh xơ gan cần lưu ý, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng tránh nhiễm Covid-19. Ngoài ra, nếu không có sự điều chỉnh của bác sĩ điều trị, người bệnh xơ gan vẫn phải tiếp tục uống thuốc, không nên ngừng hoặc tự ý thay đổi thuốc, tiếp tục theo dõi và tầm soát ung thư gan theo đúng lịch trình nếu hoàn cảnh cho phép.
Những người bị nhiễm virus viêm gan B/C không nên ngừng hoặc thay đổi các loại thuốc đã được kê toa trừ khi bác sĩ điều trị điều chỉnh thuốc. Ngừng hoặc thay đổi thuốc có thể gây bùng phát bệnh gan hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Bệnh gan tự miễn không phải là một yếu tố nguy cơ nhiễm Covid-19 hoặc làm cho bệnh diễn tiến nặng. Tuy nhiên, những người có bệnh gan tự miễn bị xơ gan hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa sẽ có nguy cơ cao bị bệnh Covid-19 nặng hơn, thời gian nằm viện kéo dài và tăng tỷ lệ tử vong cũng như những trường hợp xơ gan do các nguyên nhân khác.
Nên tiêm văcxin ngừa Covid-19
Tất cả những người bệnh mắc bệnh gan mạn tính đều phải được ưu tiên tiêm văcxin ngừa Covid-19, ngay cả những người bệnh bị xơ gan mất bù, ung thư gan... Đối với những người bệnh ghép gan vẫn có chỉ định chủng ngừa văcxin Covid-19 khi tình trạng chức năng gan ổn định sau ghép, chỉ trì hoãn tiêm ngừa khi người bệnh đang trong giai đoạn thải ghép cấp.
Hiện nay, chưa có dữ liệu nào cho thấy văcxin ngừa Covid–19 gây tác hại ở nhóm người bị bệnh gan mạn tính. Không nên từ chối hoặc trì hoãn tiêm văcxin vì lo ngại về hiệu quả hay tính an toàn của văcxin khi mắc bệnh gan. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị bệnh gan của mình trước khi tiêm.
Nếu đã tiêm văcxin ngừa Covid-19 thì vẫn tiếp tục thực hiện 5K và duy trì việc tập thể dục thường xuyên, hít thở không khí trong lành, ăn uống hợp lý, ngủ đều đặn, tránh uống rượu, bia... Đây vẫn là các biện pháp phòng bệnh rất quan trọng trong thời kỳ đại dịch.
Tiêm ngừa Covid-19 sẽ giúp bảo vệ người bệnh gan mạn tính không bị nhiễm bệnh Covid-19 nặng. Những người mắc bệnh gan mạn tính cũng cần chủng ngừa bệnh viêm gan virus A, viêm gan virus B, cúm và bệnh nhiễm phế cầu khuẩn. Các hướng dẫn hiện nay khuyên người bệnh nên tiêm văcxin ngừa Covid-19 cách các loại văcxin khác ít nhất 2 tuần.
PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)