Con trai tôi năm nay lên lớp 9. Những năm học cấp 1 và đầu cấp 2, cháu tuy không xuất sắc gì nhưng ngoan, học hành chăm chỉ.
Vậy mà từ cuối năm học lớp 8, chả hiểu sao cháu trở nên ngang ngược, theo những bạn xấu chơi bời, bỏ bê học hành.
Chồng tôi thấy thế sinh ra buồn bực, trách tôi không biết dạy con. Tuần vừa rồi cháu lại tham gia vào một vụ đánh nhau gây chấn động cả trường, chồng tôi lại mang tôi ra luận tội, đổ hết trách nhiệm lên đầu tôi.
Buồn con lại thêm nỗi tức chồng, tôi uất quá vặc, chúng tôi cãi nhau một trận nảy lửa. Con trai tôi đóng cửa ở lỳ trong phòng, chỉ xuống nhà vào đúng giờ ăn.
Tôi cảm thấy bất lực, bế tắc và cô đơn. Tôi không biết phải làm sao để vượt qua được tình cảnh này.
Nguyễn Thu Thương (TP Hải Phòng).
Ảnh minh họa internet.
Chị Thương thân mến, xin chia sẻ với những khó khăn mà chị đang trải qua. Cháu nhà chị đang trong giai đoạn tuổi “ẩm ương”, tâm lý có nhiều biến chuyển, thất thường, dễ chịu sự tác động, lôi kéo từ bạn bè.
Lẽ ra trong lúc khó khăn, chị và anh cần phải dựa vào nhau để cùng nhau tìm cách giải quyết thì lại quay sang trách móc, đổ lỗi cho nhau, làm vụ việc này chưa giải quyết xong lại vướng thêm vào chuyện căng thẳng khác, làm mọi thứ rối tung lên.
Chưa kể, nhìn thấy bố mẹ cãi vã, tâm lý con trai chị sẽ càng trở nên bất ổn.
Giờ chị nên lựa lời tìm cách nói chuyện với cháu, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyên nhân vì sao dẫn đến những sự thay đổi của con…gỡ rối từng chút một.
Đặc biệt, chị và anh cần phải cùng nhau tạo một không khí gia đình yêu thương, thuận hòa, để cháu không chịu thêm áp lực tâm lý từ gia đình.
Chúc chị mau vượt qua được sự bế tắc.
Tri Giao