Chị P.H (quận Tân Bình, TP.HCM) 3 ngày gần đây thay tã cho con phát hiện nước tiểu của bé có màu hồng nhạt, rồi dần dần đậm tựa máu. Bé bú kém, tiểu ít, quấy khóc khiến gia đình chị lo lắng phải đưa bé đến bệnh viện cấp cứu ngay trong đêm.
BSCK1 Phạm Ngọc Tường Vy, Phó trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết, thăm khám phát hiện bé bị hăm tã, nước tiểu màu hồng, nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu. Thực hiện một số xét nghiệm và kiểm tra mẫu nước tiểu cho thấy có vi khuẩn; hình ảnh siêu âm bụng thể hiện tình trạng viêm bàng quang. Kết quả, bé gái bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới đang tiến triển. Các bác sĩ phải điều trị cho bé bằng kháng sinh để ngăn ngừa tổn thương thận.
Bác sĩ Tường Vy cho biết, trẻ đến khám nhiễm khuẩn đường tiết niệu tại bệnh viện Tâm Anh không phải là hiếm. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không loại trừ cả trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân gây bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu chủ yếu là các vi khuẩn gram âm như E.coli, virus, nấm… từ da hoặc phân của trẻ xâm nhập vào đường tiết niệu và phát triển thành bệnh. Ngoài ra, trẻ nhũ nhi bị dị dạng ở bộ phận sinh dục cũng gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Tuy nhiên, bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu thường gặp ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai. Do cấu trúc đường niệu bé gái ngắn và nằm gần hậu môn, nên dễ nhiễm khuẩn từ bên ngoài. Lúc đi tiểu cha mẹ vệ sinh ngược, sai cách, hoặc không vệ sinh kỹ sẽ có nguy cơ bội nhiễm.
Bác sĩ Vy khuyến cáo, tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ có thể chữa lành nhưng vẫn có nguy cơ tái phát nhiều lần nếu vấn đề vệ sinh kém. Do đó, bố mẹ, người trông trẻ phải trang bị kiến thức vệ sinh cho trẻ.
Khi lau rửa vệ sinh cho trẻ phải theo chiều từ trước ra sau, từ trên xuống dưới. Thay tã, bỉm, vệ sinh sạch ngay khi bé đại, tiểu tiện, tránh để lâu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Cần lựa chọn tã phù hợp, chất lượng, thoáng khí, không gây hăm, bí cho bé.
Người chăm sóc trẻ nhỏ cần quan sát kỹ các dấu hiệu như nước tiểu đục, nước tiểu có máu, con quấy khóc, khó chịu, bứt rứt sau khi đi tiểu. Ngoài ra, trẻ sốt kéo dài trên 3 ngày không rõ nguyên nhân cần đưa đi khám ngay.
Nhiễm trùng đường tiểu dưới không phát hiện sớm sẽ gây nhiễm trùng đường tiểu trên với biểu hiện đợt sốt cao liên tục, trẻ lạnh run, tím tái, nôn ói. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể sốc vì nhiễm trùng huyết.