Chiều 22/10, Công an quận 4, TP HCM đã tạm giữ Trần Thị Kim Giàu (33 tuổi, ngụ phường 9, quận 4) để điều tra về hành vi hành hạ con. Trước đó, sáng 13/10, Trần Thị Kim Giàu đến Công an Phường 9 trình báo con gái bà là H.T.A. (5 tuổi) đã chết khi đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quận 4 vào khoảng 2h30 cùng ngày. Bà Giàu cho biết, lúc đó bé H.T.A. than đói nên bà xuống nhà để lấy sữa cho con uống, tuy nhiên khi bà quay lại thấy bé đã nằm bất động ở cầu thang. Sau khi đưa bé đi cấp cứu, bác sĩ thông báo bé đã tử vong.
Hình ảnh bé gái 5 tuổi được đăng tải lên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình) |
Công an Quận 4 sau đó đã tiếp nhận thông tin, tiến hành khám nghiệm hiện trường và lập hồ sơ ban đầu, ghi lời khai những người có liên quan, xác minh, làm rõ vụ việc, đồng thời trưng cầu Trung tâm Pháp y TP HCM giải phẫu tử thi, giám định nguyên nhân chết đối với nạn nhân T.A. Qua khám nghiệm, công an ghi nhận bé A. có nhiều thương tích ở vùng trán, mặt, tứ chi có các vết bầm tụ máu nghi bị bạo hành. Đồng thời, bà Giàu cũng khai hay dùng tay, muỗng múc canh, đũa gỗ, vòi hoa sen đánh vào các vùng mặt, chân, tay, hông, lưng và đổ nước nóng vào chân, đánh, gây thương tích trên cơ thể bé A.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với kết quả xác minh ban đầu như vậy thì việc cơ quan điều tra tạm giữ hình sự đối với người phụ nữ này để xem xét về hành vi hành hạ con là có căn cứ và cần thiết. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy lời khai của người phụ nữ này về việc thường xuyên bạo hành đánh đập tàn nhẫn con mình phù hợp với các dấu vết để lại trên cơ thể của nạn nhân thì có căn cứ để khởi tố người phụ nữ này về tội hành hạ con theo quy định tại Điều 185 BLHS, hình phạt có thể tới 05 năm tù.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Đối xử tàn ác với người lệ thuộc, hành hạ, bạo lực xâm phạm đến thân thể con của cha mẹ là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, trường hợp kết quả xác minh cho thấy người mẹ đã nhiều lần đánh đập, hành hạ cháu bé một cách tàn nhẫn thì có căn cứ để xử lý hình sự về tội hành hạ con theo quy định tại điều 185 Bộ luật Hình sự. Với hành vi hành hạ cháu bé chưa đủ 16 tuổi, hình phạt có thể là từ 02 năm đến 05 năm tù.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, người phụ nữ này đã dùng những hung khí nguy hiểm, những vật cứng, chắc.. để đánh vào những vùng hiểm yếu của cháu bé dẫn đến tử vong thì sẽ xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự với hình phạt có thể ở mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình".
"Một tình tiết cũng đáng chú ý trong vụ việc này là tại sao cháu bé lại không được ngủ trên giường, khi phát hiện thì cháu bé đã tím tái lúc nửa đêm trên bậc thang. Trường hợp cháu bé tử vong là do tác động ngoại lực thì sẽ xử lý hình sự về tội giết người chứ không đơn giản chỉ là tội hành hạ con. Theo quy định của pháp luật, tội hành hạ con không quy định hậu quả là nạn nhân tử vong, bởi vậy trường hợp nếu nạn nhân tử vong thì sẽ xử lý về tội danh khác với mức hình phạt nghiêm khắc hơn.
Luật sư Cường cho hay, hành vi bạo hành trẻ em ở Việt Nam ở mức báo động khi không ít các bậc làm cha làm mẹ thiếu tình yêu thương, thiếu kỹ năng sống, ích kỷ và ý thức coi thường pháp luật. Đặc biệt là trong các gia đình mà cha mẹ là người nghiện ngập, sống trong gia đình thiếu thốn khó khăn hoặc không có hạnh phúc. Sự túng quẫn, bất hạnh, thêm vào đó là nhận thức, văn hóa hạn chế, lòng tham, tính ích kỷ và ý thức coi thường pháp luật khiến hành vi bạo hành dễ dàng xảy ra.
Để giảm thiểu các vụ án mạng đau lòng mà nạn nhân là trẻ em thì cần phải có những giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài. Giải pháp trước mắt là cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đặc biệt là ý thức chấp hành của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em. Về lâu dài thì vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức nhân cách, giáo dục lối sống, giáo dục pháp luật và kỹ năng sống là rất quan trọng. Chỉ khi nào vấn đề đạo đức và tôn trọng pháp luật được đề cao, con người có lòng yêu thương, chia sẻ, sống có kỷ luật, có nguyên tắc và có ý thức chấp hành pháp luật thì tính mạng, sức khỏe của những người xung quanh mới đảm bảo an toàn, trong đó có trẻ em.
>>> Xem thêm video: Xác định được 5 bảo mẫu bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng