Bé gái 15 tháng tuổi đột ngột liệt dây thần kinh số VII ngoại biên

Bé gái 15 tháng tuổi được gia đình đưa vào viện thăm khám trong tình trạng méo miệng, mắt không nhắm kín. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên bên phải.

Theo thông tin Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), bé gái 15 tháng tuổi được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng méo miệng, mắt không nhắm kín.

Qua kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên bên phải - một tình trạng có thể gặp ở trẻ em. Sau đó, bệnh nhi được chỉ định nhập viện điều trị bằng phương pháp kết hợp Y học cổ truyền và phục hồi chức năng.

Tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, đội ngũ bác sĩ không chỉ thực hiện các phương pháp điều trị chuyên môn mà còn chú trọng đến tâm lý của bé - bởi trẻ nhỏ thường sợ hãi khi tiếp xúc với y tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quá trình điều trị tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, các bác sĩ đã tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng từ các kỹ thuật viên để kích thích phục hồi chức năng. Cứu ngải huyệt đạo nhằm tăng lưu thông khí huyết. Chiếu đèn hồng ngoại, tạo cảm giác ấm áp và hỗ trợ tăng tuần hoàn cơ vùng mặt; cấy chỉ giúp tăng khả năng phục hồi của bệnh nhi.

Hiện tại, bé vẫn đang được tiếp tục điều trị và hồi phục tốt dưới sự chăm sóc tận tâm từ đội ngũ y bác sĩ.

Theo các bác sĩ điều trị, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên ở trẻ nhỏ thường là do bị lạnh.

Để phòng ngừa nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cần thực hiện một số việc làm sau:

Tránh gió, tránh lạnh: Trẻ cần được giữ ấm, tránh gió lạnh khi ra ngoài trời, không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, rửa mặt hoặc chăm sóc bằng nước ấm.

Chăm sóc và bảo vệ mắt: Trẻ cần đeo kính tránh bụi bẩn khi ra ngoài, tra nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý để tránh khô mắt và hạn chế nhiễm khuẩn.

Vệ sinh răng miệng: Cơ vùng mặt không giữ nước được trong miệng, thức ăn đọng lại bên liệt dễ gây viêm nhiễm vùng răng lợi, miệng, họng. Do đó, trẻ cần được đánh răng ngày 2 lần, sử dụng chỉ nha khoa, xúc miệng, họng và nhỏ rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng: Chế độ ăn đầy đủ vitamin, khoáng chất, carbohydrate, protein và chất béo, nhu cầu theo lứa tuổi.

Tránh đồ ăn sống lạnh (ăn kem, uống nước đá lạnh, dưa hấu, tôm, cua, gỏi cá…) hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ (ớt, hạt tiêu, đồ chiên xào rán…).

Khi tắm cho trẻ cần chú ý: Nên tắm cho trẻ sớm, tắm, rửa mặt, đánh răng bằng nước ấm. Khi giao mùa, nhiệt độ sẽ có sự chênh lệch trong ngày, hoặc giữa các ngày với nhau. Do đó, cha mẹ cần chọn đúng thời điểm để tắm cho trẻ.

Cha mẹ có thể chọn tắm cho trẻ vào một trong hai khoảng thời gian 9h30-10h30 hoặc 13h-16h. Đối với trẻ lớn hơn, buổi sáng bố mẹ thường bận bịu và các bé chuẩn bị đi học nên thường tắm buổi chiều sau khi đi học về nhưng cũng không muộn sau 18h.

Cha mẹ tuyệt đối không nên tắm cho trẻ vào buổi trưa khoảng 11h-13h, hay vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn vì có thể làm trẻ dễ bị cảm lạnh, ốm sốt… Đồng thời chú ý thời gian tắm gội cho bé chỉ khoảng 5-10 phút với trẻ lớn, và không quá 2-3 phút (với trẻ sơ sinh kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc ra khỏi chậu).

Theo Đời sống
back to top