Bé trai này đi nhà trẻ, có dấu hiệu sặc sau khi uống sữa và được giáo viên đưa vào viện ngay. Bác sĩ Hồ Kim Đức, Khoa Hồi sức Tích cực, cho biết sữa trào đường thở của bé, gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết.
Sau cấp cứu tích cực, may mắn bé qua cơn nguy kịch, song phải điều trị lâu dài vì phổi bị viêm nặng. Bác sĩ nhận định trường hợp này nếu xử trí chậm hơn có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Đức cho biết dấu hiệu sặc sữa ở trẻ sơ sinh là khi đang bú hoặc sau bú đột ngột ho mạnh, ọc sữa qua mũi, miệng, sặc sụa, tím tái, khóc thét lên, cơ thể có thể mềm nhũn hoặc co cứng.
Nguyên nhân sặc sữa thường là người lớn để trẻ bú không đúng tư thế. Người chăm sóc cần chú ý không nên cho trẻ vừa bú vừa ngủ, không đùa với trẻ khi đang bú khiến bé cười dễ sặc. Khi cho bú nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, bú từ từ, không vội vàng, nhất là trẻ yếu, sinh non tháng.
Khi trẻ ho hoặc khóc phải ngừng bú ngay, không để sữa tiếp tục chảy xuống miệng. Trẻ không nuôi bằng sữa mẹ, phải bú bình, cần chú ý nghiêng bình sữa khoảng 45 độ. Khi dùng thìa bón sữa vào miệng, nên đổ từ từ, trẻ nuốt hết mới bón thìa khác. Đặc biệt, sau khi trẻ bú no, không nên đặt nằm ngay xuống giường hoặc nôi mà nên bồng lên, tránh tình trạng sặc sữa, trào ngược.