Ngày 8/4, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện mới điều trị thành công ca tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Theo đó, ngày 29/03, Khoa Khám và điều trị tự nguyện - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận và điều trị thành công cho cháu P.M.T (4 tuổi, Nghệ An) bị tiêu chảy do Rotavirus dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải nặng.
Thăm khám cho bệnh nhi - ảnh BVCC |
Theo lời kể của mẹ, cháu M.T ở nhà có biểu hiện đi ngoài phân lỏng liên tục, 8-10 lần/ngày kèm theo nôn nhiều lần và sốt cao trên 39 độ C. Gia đình cho cháu uống thuốc và chăm sóc tại nhà 3 ngày nhưng bệnh tình không đỡ nên đã đưa cháu đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nhập viện.
Tại thời điểm nhập viện, cháu còn có tình trạng nổi ban mày đay toàn thân, bụng chướng, mắt trũng, thở nhanh, kích thích mất ngủ, tiểu ít.
Sau khi thăm khám và xét nghiệm máu, các bác sĩ nhận định: cháu M.T. mất nước nặng, rối loạn điện giải, hạ kali máu, tăng natri máu và có biểu hiện suy thận cấp do mất nước.
Với tình hình chuyển nặng của trẻ, các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành bù dịch, cân bằng rối loạn điện giải. Sau thời gian điều trị tích cực, hiện nay sức khỏe của cháu đã ổn định hơn.
Trường hợp bệnh nhi M.T. là một trong nhiều trường hợp tiêu chảy mất nước nặng do Rotavirus đã được nhập viện và điều trị kịp thời tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong thời gian gần đây.
Bác sĩ Khoa Khám và điều trị tự nguyện cho biết: Thời tiết nắng nóng là thời điểm các bệnh lý về đường hô hấp và đường tiêu hóa ở trẻ tăng cao, đặc biệt là tiêu chảy cấp. Trẻ bị tiêu chảy cấp có tốc độ đào thải phân cao có thể 10-15 lần/ngày, kèm theo thời tiết nắng nóng là nguyên nhân dễ dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Tiêu chảy cấp do Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, gây tiêu chảy nặng có thể lên đến 20 lần/ngày, mất nước và tử vong nếu không điều trị kịp thời. Virus Rota lây truyền qua đường tay - phân - miệng.
Vì vậy, khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy, các bậc phụ huynh cần cho trẻ uống đúng và đủ nước đồng thời theo dõi số lần nôn, đi ngoài của con.
Nếu: Trẻ bị nôn nhiều, tiêu chảy tăng lên trong ngày mà không thể kiểm soát được tại nhà, Trẻ không uống được nước, bứt rứt kích thích, li bì mệt mỏi, đó là dấu hiệu mất nước nặng đe dọa tính mạng cần đưa trẻ nhập viện ngay.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần sử dụng Oresol chuẩn của Bộ Y tế, pha theo đúng tỷ lệ, uống đúng theo khuyến cáo để bù nước - điện giải tại nhà cho trẻ, hạn chế tối đa các biến chứng do sử dụng Oreol sai có thể xảy ra.