Quyết định thu hồi một lô dầu gội đầu Newgi.C 100ml chứa trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa, là nguyên nhân dẫn đến viêm não, viêm phổi… là lời cảnh tỉnh cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng sữa gội đầu, nhuộm tóc…
Tràn lan hàng giả, hàng kém chất lượng
Cục Quản lý Dược vừa quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi một lô dầu gội đầu Newgi.C 100ml vì trong lô dầu gội đầu Newgi.C 100ml không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm (tổng số vi sinh vật đếm được lên đến 4650cfu/g) và có Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh).
Thu hồi lô dầu gội có trực khuẩn mủ xanh |
Sản phẩm bị thu hồi thuộc số lô: 011121; ngày sản xuất: 12/11/21; hạn dùng: 12/11/24; trên nhãn ghi thông tin: "SCB: 180/20/CBMP-CT, Công ty cổ phần dược phẩm Phương Nam, địa chỉ 300C Nguyễn Thông, P. An Thới, Q. Bình Thủy, TP Cần Thơ, Việt Nam.
Trước đó, Cục cũng có công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc dầu gội Medy (số lô: 1510; ngày sản xuất: 15/10/2021; hạn dùng: 15/10/2024; trên nhãn ghi SĐK: 223/20/CBMP-CT, Công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Xuân Thịnh (Địa chỉ: 38/26 Huỳnh Phan Hộ, P. Trà An, Q. Bình Thủy, Tp. Cần Thơ) vì không đáp ứng yêu cầu chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Pseudomonas aeruginosa là một mối nguy hiểm đáng sợ đối với sức khỏe con người. Điều đáng ngại là vi khuẩn này kháng thuốc đối với nhiều loại kháng sinh, gây bệnh cơ hội trên người. Nó có thể gây viêm màng tim, viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng đường máu, đường tiết niệu, viêm màng não mủ và áp xe não, viêm tủy xương, viêm tai, gây bệnh hóa sừng ở mắt, nhiễm trùng da...
Thực tế, cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) liên tục phát đi thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm kém chất lượng. Điển hình trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022 đã đình chỉ và thu hồi hơn 10 sản phẩm mỹ phẩm trong nước sản xuất.
Theo Cục Quản lý Dược, các sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi đều được lấy mẫu trên thị trường và có kết quả kiểm nghiệm. Các mẫu sản phẩm hầu hết được lấy ở những nơi đảm bảo như: kho lưu trữ, hàng ở siêu thị, công ty…
Trong khi đó ngoài thị trường chưa bao giờ mỹ phẩm lại phong phú như hiện nay. Các kênh bán hàng online ra đời, nhiều “thương hiệu” nổi tiếng được quảng cáo trên mạng, bày bán khắp nơi với các sản phẩm của Hàn Quốc, Nhật, Đức, Pháp… Người mua chỉ biết đây là hàng “xách tay”, còn việc có nhãn mác nhập khẩu, hóa đơn bán hàng hay không thì không biết. Và thực tế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... tràn lan, các cơ quan quản lý liên tục thu giữ cũng không hết.
Ngày 26/8/2022 lực lượng quản lý thị trường TP HCM đã kiểm tra điểm tập kết, tại căn nhà 5 tầng nằm ở số 2A Lê Niệm, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM thu giữ trên 13.000 mỹ phẩm cao cấp OBAGI (một thương hiệu mỹ phẩm của Mỹ) vì chứa trữ, kinh doanh hàng hoá không đúng quy định của pháp luật.
Mỹ phẩm giả bị lực lượng chức năng phát hiện |
Ngày 3/8,2022, lực lượng chức năng TPHCM thu giữ hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu Queenie Skin không có hóa đơn, chứng từ, sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả tại kho chứa hàng tại địa chỉ số 572/5 Nguyễn Bình, ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM.
Tháng 7, Tổng cục quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh vừa phát hiện và thu giữ gần 30 tấn mỹ phẩm (77.000 sản phẩm) có dấu hiệu làm giả tại một kho hàng ở phường Võ Cường, TP Bắc Ninh.
Tháng 6, Cục QLTT Cần Thơ thu giữ hơn 15.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu…
Thực tế khó có thể kể hết các vụ thu giữ sản phẩm mỹ phẩm giả, nhập lậu trong thời gian gần đây. Không những thế, các sản phẩm này còn được “sản xuất” ngay trong nước.
Tại cơ sở Mỹ phẩm trên phố Trần Hưng Đạo, huyện Kinh Môn, Hải Dương lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang sản xuất, đóng gói khối lượng khủng lên tới hàng nghìn đơn vị sản phẩm mỹ phẩm. Tất cả các sản phẩm sản xuất ở đây đều dán nhãn các thương hiệu trong nước và nước ngoài, song không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất. Chủ cơ sở khai nhận mua nguyên liệu, máy móc, bao bì, tem nhãn về để phối trộn, sản xuất, sang chiết, đóng mỹ phẩm ghi nhãn của một số cơ sở trong và ngoài nước để bán kiếm lời.
Tại Hà Nội cũng bắt giữ nhiều cơ sở, khoa hàng sản xuất, tiêu thụ mỹ phẩm giả. Tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội lực lượng chức năng phát hiện các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng như Chanel, COLLAGEN X12 OLIVE, Pink Lady Shower…đều được pha chế thủ công bằng các loại hóa chất chưa rõ chất lượng, nguồn gốc trong điều kiện sản xuất mất vệ sinh.
Tại sơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại Thanh Oai, Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 2.300kg dầu gội không nhãn mác; 6.600 chai sữa tắm coco mademoiselle chanel pais 350ml…
Không chỉ đơn giản là dị ứng
Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho một nữ sinh viên 22 tuổi (Nghệ An) bị rụng gần hết tóc. Nguyên nhân trước đó, khoảng 6 tháng, thấy tóc thưa mỏng, bệnh nhân đã mua nước gội đầu và thuốc xịt tóc tinh dầu bưởi để dùng nhằm kích thích tóc mọc. Tuy nhiên, sau 2 tuần bệnh nhân bắt đầu thấy tóc rụng hàng loạt và chỉ sau 1 tháng, tóc bệnh nhân gần như rụng hết toàn bộ.
Chị Nguyễn Minh H. 47 tuổi, được đưa vào bệnh viện Da liễu Hà Nội cấp cứu trong tình trạng tổn thương nặng vùng mang tai, mặt và khắp cả người đầy các mụn nước. Bệnh nhân thở yếu, phù nề, có triệu chứng suy gan, thận...Nguyên nhân cách đó 1 tuần, bệnh nhân di nhuộm tóc ngoài hiệu. Chuyên gia của Bệnh viện Da liễu Trung ương lo ngại về sự gia tăng số trường hợp nhập viện do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc ngày càng nhiều.
BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ khiến da nổi nhiều mụn mà những bệnh nhân bị biến chứng nặng có thể phải đối mặt với các triệu chứng phù nề, sẹo sâu, da mặt bị hủy hoại, thậm chí có trường hợp tử vong do nhiễm độc chì. Đặc biệt, có nhiều ca bị dị ứng, rụng tóc, thậm chí ung thư da vì dầu gội, thuốc nhuộm….
Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa công bố danh sách xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực Dược - Mỹ phẩm - Trang thiết bị y tế từ ngày 26/8/2022 đến 18/9/2022.
Công ty TNHH SX Mỹ phẩm Nafaco (72/1 quốc lộ 1A, phường Thới An, Quận 12) bị phạt 72.000.000 đồng vì sản xuất mỹ phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Bên cạnh đó sản phẩm Xịt kháng khuẩn sả chanh của công ty này (số lô 24/02/2022; NSX 24/02/2022; HSD: 24/02/2025) không đáp ứng yêu cầu về giới hạn Methanol trong sản phẩm mỹ phẩm.
Công ty TNHH Sản xuất Catchy Natural Cosmetic bị xử phạt 70 triệu đồng và bị buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm mỹ phẩm Xịt kháng khuẩn sả chanh..
Công ty Cổ phần SACHI, 13 - 15 Đường Số 34, KP 2, P. An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM, bị phạt 45 triệu đôngg vì đã quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Ngoài ra, nhiều cá nhân và dược sĩ đã bị xử phạt do vi phạm trong kinh doanh, buôn bán thuốc, mỹ phẩm.