Bất ngờ thân thế quan tư tế quyền lực thời Ai Cập cổ đại

Hàng nghìn năm trước, quan tư tế Ai Cập cổ đại có địa vị và quyền lực cao. Họ đảm nhiệm những nghi lễ quan trọng của hoàng gia, cũng như là "cầu nối" truyền thông điệp của các vị thần tới người dân.

Ai Cập cổ đại là một trong những nền văn minh nổi tiếng nhất lịch sử. Nhiều năm qua, các chuyên gia giải mã sự thật thú vị về nền văn minh cổ đại này. Trong số đó, có những bí mật về quan tư tế trong đời sống tâm linh của người Ai Cập.

Theo chuyên gia, quan tư tế tối cao được pharaoh Ai Cập đích thân lựa chọn. Họ thường là những người thân cận của pharaoh, phụ trách nghi lễ quan trọng của hoàng gia và đất nước. Do đó, họ có địa vị và sức ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Quan tư tế sống và làm việc trong ngôi đền linh thiêng thờ các vị thần quyền lực của người Ai Cập. Thời cổ đại, người dân Ai Cập tin rằng, các vị thần sống trong những ngôi đền. Chỉ có quan tư tế mới đủ tư cách, năng lực bước vào khu vực linh thiêng của ngôi đền.

Theo quan niệm của người dân, quan tư tế có khả năng "kết nối" với các vị thần. Nhờ đó, quan tư tế làm nhiệm vụ linh thiêng là truyền tải thông điệp của các vị thần với pharaoh và người dân.

Công việc thường ngày của quan tư tế khá "bận rộn". Trong đó, buổi sáng, trước khi vào đền, họ thanh tịnh cơ thể, tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, những người này mở dấu niêm phong ở cửa đền, cầm đèn đi bộ vào khu vực linh thiêng. Tiếp đến, quan tư tế cầu nguyện trước các vị thần. Họ cũng lau chùi sạch sẽ những bức tượng bằng vàng, dụng cụ dùng trong nghi lễ cúng tế. Cuối ngày, quan tư tế ghi chép cẩn thận, kiểm tra những thứ có trong đền, quét các dấu chân của mình khi đi ra rồi đóng dấu niêm phong ở cửa đền.

Là người thực hiện các nghi lễ quan trọng của hoàng tộc và triều đình, quan tư tế có nhiều đặc quyền như được pharaoh "trả lương" hậu hĩnh, có thể tư vấn, cho nhà vua lời khuyên… Bất cứ người nào có hành động mạo phạm, bất kính với quan tư tế Ai Cập quyền lực, đều bị trừng phạt nặng, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng.

Theo Đời sống
back to top