Bất ngờ những truyền thuyết tưởng hư cấu nhưng hóa ra là sự thật
Thiên Trang (TH)
Những truyền thuyết nổi tiếng sau đây là minh chứng cho thấy không phải câu chuyện hư cấu nào cũng hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng.
1. Atlantis - nền văn minh dưới đáy biển: Truyền thuyết Atlantis lần đầu được mô tả bởi nhà triết học nổi tiếng người Hy Lạp - Plato. Truyền thuyết kể về một nền văn minh rực rỡ bỗng chìm sâu và biến mất vĩnh viễn dưới những con sóng.
Khoảng 3.650 năm trước, một vụ phun trào núi lửa lớn đã làm rung chuyển Thera, hòn đảo ở miền nam biển Aegea nằm cách phía đông nam của đại lục Hy Lạp 200km, nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Santorini. "Con sóng" magma khổng lồ đã nhanh chóng quét sạch một cách tàn khốc phần lớn đảo, kéo theo đó là sóng thần từ biển Aegean tràn qua đảo Crete và nhấn chìm gần hết Thera. Nền văn minh Minoan chìm dưới những con sóng và không còn bất kỳ tàn tích nào nữa.
2. Cây cầu của thần Rama: Trong sử thi Ramayana, Sita, vợ thần Rama, bị bắt cóc đến Vương quốc Quỷ trên đảo Lanka. Một đội quân người khỉ đã giúp Rama xây dựng cây cầu nổi nối liền Ấn Độ và Lanka. Nhờ có cây cầu, Rama dẫn quân lên đảo, đánh bại vua quỷ Ravana và cứu vợ của ông.
Dù câu chuyện trên mang nhiều yếu tố hư cấu, cây cầu nhiều khả năng thực sự tồn tại. Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có một bãi cát và đá vôi ngầm kéo dài 48 km giữa hai vùng đất Ấn Độ và Sri Lanka ngày nay. Đây có thể là nguồn cảm hứng cho các truyền thuyết của người Hindu cổ đại.
3. Trận chiến Lôi điểu và cá voi: Người Mỹ bản địa lưu truyền câu chuyện hư cấu về một con chim sấm sét (Thunderbird) sà xuống biển để bắt lấy con cá voi nguy hiểm cướp đi tài nguyên của bộ tộc Quileute. Cuộc chiến giữa hai con vật tạo ra những cơn sóng mạnh, khiến nhiều người thiệt mạng trong lúc hỗn loạn. Cuối cùng, chim sấm sét cố hết sức nâng cá voi lên khỏi mặt biển và thả nó xuống đất liền.
Các nhà địa chất phát hiện bằng chứng cho thấy một trận động đất mạnh từng xảy ra ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương vào năm 1700. Trận động đất tạo ra sóng thần tấn công bờ biển nước Mỹ, nơi bộ tộc Quileute sinh sống.
Ngoài ra, Aiornis, loài chim khổng lồ thời tiền sử định cư ở khu vực Bắc Mỹ, nhiều khả năng là nguồn cảm hứng cho chim sấm sét. Loài chim có sải cánh dài 5 m này thường sà xuống xác những con cá voi và ăn thịt. Truyền thuyết về trận chiến này tưởng là hư cấu nhưng hóa ra là sự thật.
4. Hồ Crater và trận chiến giữa các vị thần: Trong sử thi, hồ Crater từng là một ngọn núi cao với tên gọi Mazamađây là nơi sinh sống của Llao, vị thần cai quản địa ngục. Llao có một trận chiến với thần cai quản bầu trời Skell, tạo ra những khối cầu lửa bay phía trên Mazama và ngọn núi bên cạnh Shasta. Llao thua trong trận chiến nên phải quay lại địa ngục. Skell đánh sập ngọn núi Mazama phía trên để giam cầm Llao mãi mãi, tạo thành hồ nước Crater như ngày nay.
Thực tế, Hồ Crater là một trong những hồ miệng núi lửa mang tính biểu tượng tại Mỹ. Hồ có độ sâu xấp xỉ 655m, hình thành sau đợt phun trào và sụt lún của núi lửa Mazama vào khoảng năm 5667 trước Công nguyên.
5. Ngôi sao khách: Khoảng năm 1006, các nhà thiên văn trên khắp thế giới bắt gặp vật thể kỳ lạ trên bầu trời và họ gọi nó là "ngôi sao khách". Trong cuốn sách Kitab al-Shifa, học giả người Ba Tư Ibn Sina mô tả vật thể phát sáng trong nhiều tháng và liên tục thay đổi màu sắc. Nó phóng ra các tia lửa trước khi mờ dần đi.
Lúc đầu, vật thể bị nghi ngờ là sao chổi, nhưng các nhà nghiên cứu ngày nay kết luận vật thể Sina nhìn thấy chính là vụ nổ siêu tân tinh SN-1006 diễn ra 7.200 năm trước. Ánh sáng phát ra từ vụ nổ mất nhiều nghìn năm mới đi tới Trái Đất và được Sina nhìn thấy.