Nhiều điểm bất hợp lý trong thông tư mới
Ngày 02/02/2021, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông tại các thông tư 01, 02, 03, 04/2021.
Bên cạnh niềm vui được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi những thông tư này ra đời, nhiều giáo viên đã bày tỏ sự lo lắng, bức xúc trước một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong các thông tư.
Trong các kiến nghị được gửi tới Báo KH&ĐS, các giáo viên đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý.
Đầu tiên là đối với các giáo viên THCS hạng I. Tại Thông tư 03/2021, Khoản 3a (Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng), Điều 5 đối với giáo viên THCS hạng I nêu: GV THCS hạng I phải “Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên THCS hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên”.
Các giáo viên cho rằng, nếu áp dụng điều này, họ sẽ rất thiệt thòi. Bởi vì, đối với những GV hạng I cấp THCS đã thông qua kỳ thi thăng hạng I do Bộ GD&ĐT tổ chức vào năm 2018 cũng như trước đây, họ đã được UBND tỉnh bổ nhiệm vào ngạch hạng I. Và trước đây tại thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì họ đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của hạng I, trải qua một kỳ thi công bằng, khách quan do Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ tổ chức.
Tuy nhiên, theo thông tư mới lần này thì nếu GV đó không có bằng thạc sĩ thì xếp họ vào CDNN hạng II (nghĩa là rớt hạng). Như vậy, muốn giữ hạng I, giáo viên lại phải đi học thạc sĩ.
“Bản thân tôi đã được bổ nhiệm vào CDNN GV THCS hạng I, trải qua một kỳ thi vô cùng nghiêm túc tại Đà Nẵng, phải ra tận Quảng Nam trong 2 tháng để học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I vì nhiều tỉnh miền Trung lúc đó không mở lớp. Tôi được Sở GD&ĐT tỉnh nhà chọn là GV cốt cán cấp tỉnh nhiều năm liền, tham gia ra đề thi cấp tỉnh, hướng dẫn GV dạy giỏi các cấp, tham gia ban giám khảo GV dạy giỏi cấp huyện, ngay cả việc biên soạn chương trình giảng dạy ở địa phương tôi cũng đã từng tham gia (đây là tiêu chuẩn khó nhất). Nhưng hiện nay, tôi chỉ có trình độ cử nhân sư phạm. Nếu vì việc này mà rớt hạng thì quả thực tôi vô cùng thất vọng”, một giáo viên chia sẻ.
Đặc biệt, khi so sánh với các tiêu chuẩn của Bộ Nội vụ hiện nay về điều kiện thi chuyên viên chính và tương đương, ngạch công chức chuyên viên chính tương đương với hệ số lương của GV hạng I (theo thông tư mới), về điều kiện dự thi của công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính chỉ yêu cầu có trình độ từ Đại học trở lên. Do vậy, tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT đang cao hơn.
Đối với giáo viên các bậc THPT, các giáo viên cho biết, theo các thông tư 01, 02, 03, 04/2021 thì việc bổ nhiệm GV THPT theo mã số hạng mới không có gì thay đổi. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với các điều kiện thông tư 01, 02, 03 thì rõ ràng GV THPT có sự thiệt thòi rất nhiều. Cụ thể, theo thông tư mới thì GV tiểu học, THCS hạng 2 (trình độ đại học) sẽ được chuyển sang hạng 2 (đều cùng hệ số lương là từ 4,0 – 6,38). Trong khi đó GV THPT hạng 3 (trình độ đại học) thì được chuyển sang hạng 3 (hệ số lương từ 2,34 – 4,98).
Những góp ý gửi tới Bộ GD&ĐT
Từ những bất cập chỉ ra, các giáo viên cho rằng, Bộ GD&ĐT cần lắng nghe để có những điều chỉnh hợp lý.
Cụ thể, đối với những người đã được bổ nhiệm vào GV hạng I cấp THCS (Mã số V.07.04.10) thì khi chuyển sang thực hiện thông tư mới này nên đặc cách cho họ được bổ nhiệm là GV hạng I (Mã số V.07.04.30) dù trình độ là đại học. Còn quy định có trình độ là thạc sĩ theo dự thảo thông tư mới này sẽ có hiệu lực khi thông tư mới ra đời và có hiệu lực (đây là điều kiện để GV thi thăng hạng sau này).
Về điều kiện dự thi của công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính chỉ yêu cầu có trình độ từ ĐH trở lên. Do vậy, ngành giáo dục cũng nên hạ tiêu chuẩn trình độ của GV hạng I cấp THCS.
Ngoài ra, khi thông tư ra đời, đã có rất nhiều giáo viên với hàng trăm, ngàn câu hỏi về những trường hợp cụ thể. Nếu có thể, Bộ GD&ĐT nên mở các kênh giải đáp để giáo viên được bày tỏ các thắc mắc, nguyện vọng của mình, và Bộ GD&ĐT cũng có cơ hội để giải đáp rõ hơn về chính sách.
“Việc ra thông tư gây hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tới nhiều giáo viên thì cũng cần có sự lắng nghe và trả lời thỏa đáng, kịp thời từ phía Bộ GD&ĐT, như vậy sẽ tốt hơn là để giáo viên tự mày mò, tự phải tìm kênh giải đáp cho mình”, một giáo viên bày tỏ.
Nhiều giáo viên chia sẻ, theo những quy định mới, thì kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I năm 2018 cho giáo viên cấp THCS (chưa có trình độ thạc sĩ) do Bộ GD&ĐT tổ chức đã hoàn toàn vô nghĩa. Vì dù có thi, thì giờ họ cũng vẫn chỉ được bổ nhiệm sang giáo viên THCS hạng II. Họ sẽ iếp tục kiến nghị Bộ GD&ĐT cần xem xét lại việc thực hiện thông tư 03/2021 trước khi thông tư này có hiệu lực và hướng dẫn thi hành.