Bắt học sinh học thuộc lòng văn mẫu là phản giáo dục

(khoahocdoisong.vn) - Việc bắt học sinh phải thuộc lòng văn mẫu, thuộc lòng bài văn cô đã sửa theo ý cô để đi thi là phản giáo dục, đi ngược với mục tiêu của giáo dục là phát triển con người.

Văn mẫu chỉ là tham khảo

Một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: Trước mỗi kỳ kiểm tra, con chị luôn phải học thuộc lòng hai bài văn do cô giáo sửa kỹ lưỡng nhiều lần trước đó. Đề kiểm tra sẽ rơi vào một trong hai đề đó. Nhìn cảnh con ngồi cầu thang ê a đọc thuộc văn chị thấy lo ngại quá, nhưng không biết làm thế nào. Phản đối cô giáo thì lại sợ con bị cô ghét.

Chia sẻ của phụ huynh trên không phải là cá biệt. Đã có khá nhiều phụ huynh phản ánh về tình trạng con phải học thuộc lòng văn mẫu, văn của cô, hoặc từ sách tham khảo để đi thi.

Trao đổi với PV KH&ĐS về vấn đề này, cô Nguyễn Thu Hương (Trường Tiểu học Chân Mộng, Đoan Hùng, Phú Thọ) chia sẻ, trường của cô không bao giờ có hiện tượng bắt các con học thuộc văn mẫu, hoặc bắt học sinh viết theo ý của cô như vậy.

Cô Hương cho biết, ở lớp cô, khi học một bài tập làm văn, cô yêu cầu mỗi học sinh xây dựng một dàn ý. Sau đó, dựa vào dàn ý mình đã lập, các em sẽ phát triển thành những bài văn miệng và lên trình bày.

Lớp học có 33 học sinh thì sẽ có 33 bài trình bày miệng khác nhau, không em nào giống của em nào. Sau đó, cô giáo sẽ cho học sinh nhận xét xem đoạn văn nào chưa được, đoạn văn nào xuất sắc. Đoạn nào chưa được thì cho các em tự sửa.

“Như vậy, sẽ phát huy được tính sáng tạo của học sinh, học sinh không hề bị gò ép theo một khuôn mẫu nào cả. Giờ học tập làm văn của lớp tôi rất sôi nổi, các em thi nhau giơ tay xin được trình bày bài văn của mình”, cô Hương nói.

Đối với văn mẫu, cô Hương cho rằng, học sinh của cô vẫn được phép đọc. Nhưng chỉ dưới góc độ tham khảo, chứ không được mở văn mẫu ra chép, hoặc học thuộc lòng, bê nguyên xi văn mẫu vào bài viết.

“Văn mẫu cũng có những tác dụng tích cực nhất định. Ví dụ, khi đọc bài văn mẫu, các em sẽ học được những cách hành văn, chi tiết hay, các triển khai ý… Tôi vẫn nói với học sinh, với những chi tiết hay, hình ảnh đẹp mà các em thích, các em có quyền học tập và đưa vào bài văn của mình. Tuy nhiên, phải sắp xếp, vận dụng làm sao để nó là của mình, tức là phải có sự sáng tạo, linh hoạt”, cô Hương chia sẻ.

Để có được điều đó, cô Hương cho biết, học sinh cần phải có được những kiến thức cơ bản trước khi đọc văn mẫu, chứ không phải “bập một cái là đọc luôn”.

Ví dụ, trước khi đọc một bài văn mẫu về tả cảnh, thì trước đó, học sinh đã phải được hướng dẫn về cách làm một bài văn tả cảnh sẽ như thế nào, tả từ bao quát tới chi tiết, từ xa đến gần ra sao… Rồi cho các em lập dàn ý. Sau đó mới đọc bài văn mẫu.

Như vậy, thì khi đọc bài văn mẫu, các em sẽ hiểu, và biết chắt lọc được những cái hay, cái đẹp của bài văn mẫu và vận dụng thành kiến thức của mình. Đồng thời có những quan điểm, lập trường riêng.

Khi cô giáo khơi dậy được sự sáng tạo, tư duy độc lập ở học sinh, thậm chí, có những học sinh không thích đọc bài văn mẫu, cũng không muốn học tập hay vận dụng bất kỳ một nội dung nào từ bài văn mẫu. Các em chia sẻ với cô giáo rằng, văn mẫu đã nói suy nghĩ của người khác, không phải suy nghĩ của em. Ví dụ, bà ngoại trong văn mẫu là bà ngoại của người khác, không phải bà ngoại của em.

Tôi phản đối cách dạy bắt học sinh học thuộc bài văn sửa theo ý cô giáo để đi thi. Như vậy, học sinh sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào cô giáo. Khi viết văn, học sinh sẽ luôn lo lắng, phân vân, không biết viết như thế này thì sẽ hợp ý cô không. Dần dần sự sáng tạo sẽ bị thui chột”, cô giáo Nguyễn Thu Hương.

Phản giáo dục, đi ngược lại mục tiêu giáo dục

Chung quan điểm với cô giáo Nguyễn Thu Hương, ThS Đặng Thị Liễu (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) cho biết, cũng không thể phủ nhận hoàn toàn giá trị của văn mẫu, nhưng quan trọng là cách sử dụng và vận dụng văn mẫu như thế nào.

Nếu như một học sinh đã có nền tảng về mặt kiến thức, và nhận thức rằng văn mẫu sẽ như một tài liệu để tham khảo, thêm những vốn từ, kiến thức, cách làm bài… để từ đó có thể học tập, vận dụng một cách sáng tạo, thì văn mẫu cũng có những tác dụng tích cực.

Tuy nhiên, nếu cứ rập khuôn theo văn mẫu, hoặc học thuộc lòng những bài văn theo kiểu cô đọc trò chép, bó hẹp, định hướng về nội dung thì lâu dần sẽ làm mai một đi khả năng ngôn ngữ, khả năng tư duy sáng tạo, cảm nhận của học sinh.

“Hãy thử tưởng tượng, giả sử một học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 mà đều sử dụng văn mẫu và các quyển hướng dẫn học tốt một cách máy móc thì rồi các em sẽ như thế nào? Sẽ mất đi hoàn toàn khả năng tư duy sáng tạo”, ThS Liễu nêu quan điểm.

Đối với việc sửa bài văn cho học sinh, bắt các em học thuộc lòng bài văn đó để đi thi, ThS Liễu cho biết, đó là cách làm quá phản giáo dục.

Bởi vì học văn chính là học về vẻ đẹp của ngôn ngữ, vậy mà lại bắt học sinh học thuộc rồi sao chép lại, thì điều đó sẽ chỉ rèn và kiểm tra được khả năng học thuộc lòng của học sinh, thui chột tư duy, sáng tạo.

Đặc biệt là trong xu thế đổi mới giáo dục hiện nay, giáo dục hướng tới đổi mới về phương pháp, việc kiểm tra đánh giá chú trọng đến phát triển năng lực và phẩm chất của người học chứ không phải chỉ với mục đích là truyền dạy kiến thức nữa.

Ví dụ, đối với một tác phẩm văn chương hay một vấn đề về ngôn ngữ sẽ hướng tới các kỹ năng toàn diện. Trong đó, từ cái nội dung kiến thức đó học sinh sẽ phát triển được năng lực như thế nào. Xét từ góc độ này, thì việc bắt học sinh chép lại bài văn mẫu sẽ đi ngược lại với mục tiêu của giáo dục là phát triển con người.

Theo Đời sống
back to top