6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản Hà Nội chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo đà khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Triển vọng thị trường đang có sự phục hồi tích cực nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát hiệu quả như hiện nay.
Lượng chung cư mở bán tăng gấp 3 lần quý 1
Trong 6 tháng đầu năm 2020, thị trường Hà Nội ghi nhận 7.200 căn hộ chung cư mở bán mới, giảm 65% theo năm, trong đó, riêng quý 2/2020 đã ghi nhận 5.600 căn mở bán.
Mặc dù lượng nguồn cung mới trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước do những gián đoạn của dịch Covid-19, nhưng lượng căn mở bán trong quý 3 gấp hơn 3 lần so với quý trước cho thấy sự phục hồi của các hoạt động bán hàng. Theo phân khúc, 88% số căn mở bán mới đến từ phân khúc trung cấp, phần còn lại là các sản phẩm cao cấp.
Doanh số bán hàng tương đối khả quan trong quý 2/2020, trên 50% nguồn cung mở bán mới được tiêu thụ với 5.100 căn bán được, gấp hơn 2 lần lượng căn tiêu thụ ghi nhận ở quý trước.
Doanh số bán hàng tăng trở lại trong quý này cho thấy hoạt động bán hàng tích cực sau giai đoạn kết thúc giãn cách xã hội. Sự đa dạng hóa các kênh bán hàng (kết hợp các kênh bán hàng trực tuyến và các kênh tiếp thị trực tiếp qua các sự kiện bán hàng…) đã giúp doanh số bán hàng tăng lên trong quý này. Người mua nhà trong nước là đối tượng được các chủ đầu tư tập trung trong giai đoạn nửa đầu năm, khi việc bán nhà cho người mua nước ngoài bị gián đoạn do các đường bay thương mại quốc tế chưa mở lại.
CBRE Việt Nam cho biết thêm, giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý 2/2020 trung bình ở mức 1.379USD/m2 (chưa bao gồm VAT), tăng 3% theo năm. Ở phân khúc chung cư trung cấp tại các dự án khu đô thị mới có mức giá chào bán cao hơn theo thời gian, do cơ sở hạ tầng, cảnh quan và tiện ích hoàn thiện hơn nên phân khúc này khi nhận mức tăng giá 4% theo năm – mức tăng theo năm cao nhất trong các phân khúc. Trong năm 2020, nguồn cung chào bán mới dự kiến nằm trong khoảng từ 18.000 - 20.000 căn.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, thị trường Hà Nội ghi nhận 7.200 căn hộ chung cư mở bán mới, giảm 65% theo năm. |
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho rằng, lượng mở bán mới chậm lại trong năm sẽ cho phép doanh số bán bắt kịp nhanh hơn với lượng chào bán mới - vốn thường ở mức cao trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo đó, số căn bán được trong năm dự kiến đạt khoảng 15.000-17.000 căn do lượng tiêu thụ khiêm tốn trong nửa đầu năm 2020. Giá bán sơ cấp dự kiến sẽ không thay đổi nhiều trong nửa cuối năm 2020, do nguồn cung mới vẫn tập trung ở phân khúc trung cấp và mức độ cạnh tranh cao ở phân khúc này khiến giá bán khó tăng cao.
Đánh giá chung về triển vọng thị trường, các chuyên gia CBRE dự báo, nguồn cung mở bán mới trong quý 3 và 4 cũng sẽ khiêm tốn, chỉ khoảng 18.000 – 20.000 căn, thấp hơn đáng kể so với con số bình quân trước đó khoảng 30.000 căn/năm.
Cùng đó, doanh số bán chỉ rơi vào khoảng 15.000 – 17.000 căn. Mặc dù con số này thấp hơn thường kỳ nhưng các chuyên gia dự báo sẽ bắt kịp tốc độ cũ với nguồn cung mới. Diễn biến giá của thị trường bất động sản Hà Nội tiếp tục duy trì sự ổn định.
Chờ cơ hội từ chính sách
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế nói chung, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo đà khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, sớm đưa các dự án đầu tư vào thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chỉ tính riêng quý 1/2020, cả nước có 56 dự án với 20.536 căn hộ được cấp phép; 997 dự án với 233.313 căn hộ đang triển khai xây dựng; 55 dự án với 18.061 căn đã hoàn thành xây dựng. Hầu hết các chủ đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính vẫn tiếp tục triển khai dự án. Nhiều địa phương tích cực phát triển loại hình bất động sản xanh, bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, vẫn có một số dự án đang tạm dừng do vướng mắc thủ tục và đang được các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ.
Từ quý 2/2020, các sàn giao dịch đã có nhiều hình thức và hoạt động mới như giao dịch trực tuyến, nên lượng tiêu thụ sản phẩm đã có dấu hiệu tăng lên. Hiện tồn kho bất động sản không nhiều, chủ yếu là nhà tái định cư, các dự án ở khu vực xa trung tâm, không có thủ tục pháp lý rõ ràng, thiếu đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Theo đó, với thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Chẳng hạn như cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14, bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do NHNN chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội...
Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp cũng đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý 3/2020. Theo đó, nhà ở thương mại giá thấp để bán có tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa một căn hộ được bán với giá không vượt quá 1,5 tỷ đồng. Nghị quyết này sẽ đưa ra nhiều nhóm cơ chế chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, về thuế, về thủ tục đầu tư xây dựng, về cơ chế huy động vốn.
Chính phủ cũng tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó dự kiến sẽ có nhiều điểm mới tháo gỡ rào cản, vướng mắc nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo lại các chung cư cũ tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM để vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị, vừa đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân.