Không cần thiết bật đèn xe vào ban ngày
Những ngày gần đây, dự thảo Luật Giao thông đường bộ có quy định yêu cầu bật đèn chiếu sáng xe máy ngay cả khi di chuyển vào ban ngày gây không ít tranh cãi trong dư luận. Chi tiết của quy định này như sau: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau (Khoản 3, Điều 27). Dự thảo luật này vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến nhân dân cho đến 21/6.
Về cơ bản khi vận hành xe máy hay ô tô vào ban ngày, đèn DRL hay cả đèn chiếu sáng gần, đèn pha đều không có tác dụng chiếu sáng. Việc bật đèn này nhắm mục đích chính là tăng khả năng nhận diện của xe bởi các phương tiện giao thông khác, qua đó giảm tai nạn giao thông.
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho hay, quy định bật đèn xe khi lưu thông vào ban ngày phổ biến ở các nước châu Âu, nơi có sương mù quanh năm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Còn ở Việt Nam, số giờ nắng nhiều, việc bật đèn vào ban ngày ở Việt Nam là không hợp lý. Hiện nay, trong quy định của Luật Giao thông vẫn có quy định trời mưa, gió bão, mây mù… thì người tham gia giao thông phải bật đèn. Vậy nên, nếu chúng ta quy định hàng triệu phương tiện phải bật đèn vào ban ngày thì không hợp lý. Việc bật đèn gây ra lãng phí về năng lượng trong ắc quy xe. Tiếp đó là gây ra ô nhiễm môi trường, khi tăng tiêu thụ nhiên liệu.
Việc áp dụng bật đèn vào ban ngày không phù hợp với thực tiễn nước ta. Bởi Việt Nam là nước nhiệt đới, một năm thì có 70 - 80% thời gian trời sáng, việc bật đèn có thể gây phản cảm và có thể tiêu cực trong thời tiết nắng chang chang. Bên cạnh đó, khả năng gây ra tai nạn có thể tăng thêm. Hiện chưa có số liệu chứng minh tai nạn giảm được nhờ việc bật đèn vào ban ngày. Trong khi đó, có những trường hợp lắp thêm đèn bật vào ban ngày còn bị xử lý bởi làm chói mắt người đi đường.
Gây ô nhiễm ánh sáng
GS.TS Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cho rằng, dù chỉ là dự thảo thì quy định bật đèn xe vào ban ngày ở Việt Nam cũng là không hợp lý. Nhiều đoạn đường hai chiều, nếu ai ai cũng bật đèn thì người đi ngược lại sẽ rất khó khăn trong việc quan sát và dễ dẫn đến tai nạn. Trời đã rất nắng nóng, xe nào cũng bật đèn dễ ảnh hưởng đến tầm nhìn, độ nhạy cảm của mắt nhìn khiến người điều khiển phương tiện khó tập trung để lái xe. Từ đó rất dễ gây ra tình trạng nhiễu loạn ánh sáng, ô nhiễm ánh sáng, nguy hiểm cho sức khỏe của con người.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, Việt Nam có hàng chục triệu xe máy trong khi chỉ có 3 triệu ô tô, vì vậy ô tô mới là phương tiện cần bật đèn nhận diện. Xe máy bật đèn đồng loạt thì thành rừng đèn giữa thành phố, việc nhận diện không hiệu quả. Quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu khi ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều và xe máy ít. Các nước Đông Nam Á khác có nhiều xe máy như Thái Lan, Indonesia đều không bắt buộc người dân bật đèn xe nhận diện.
Ông Nguyễn Hữu Trí, nguyên Phó Cục trưởng Đăng kiểm cho rằng, các loại đèn nhận diện, đèn chiếu gần là đèn Led, nguồn sáng không gây tốn điện, không tăng chi phí sản xuất. Phần lớn các hãng xe máy trên thế giới đã trang bị đèn nhận diện, nếu thị trường nào không sử dụng thì họ bỏ bớt thiết bị.
Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020.