Trao đổi với PV KH&ĐS bên hành lang Quốc hội về vấn đề “nóng”, đang được dư luận quan tâm – Biển Đông, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chia sẻ, bảo vệ chủ quyền là vấn đề thiêng liêng, cần kiên quyết và không lùi bước.
Chúng ta có chính nghĩa, và tiếng nói chúng ta trên bình diện quốc tế đầy biến động nhưng được cộng đồng quốc tế ủng hộ, đó là một thuận lợi.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí trao đổi với PV KH&ĐS bên hành lang Quốc hội. |
Ông rất mong trong kỳ họp này, Chính phủ sẽ cung cấp cho các đại biểu những thông tin cập nhật, chính xác về tình hình biển Đông. Thứ nhất để đại biểu nắm tình hình cho chính xác hơn. Thứ hai, là để đại biểu có trách nhiệm chuyển tải tới cho cử tri, điều này rất quan trọng, bởi thông tin từ báo chí, mạng xã hội nhiều, nhưng vẫn cần một nguồn tin chính thống.
Việc cử tri mong muốn Quốc hội sẽ có một nghị quyết, thể hiện thái độ dứt khoát liên quan tới vấn đề ứng xử trên biển Đông, ông Trí cho rằng đó cũng là nguyện vọng chính đáng.
Nhấn mạnh cần có sự quyết liệt trong ứng xử ở biển Đông, tuy nhiên, ông Trí cũng cho rằng cần có sự mềm dẻo đi cùng. Làm sao chúng ta vẫn bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, mà đồng thời cũng bảo vệ để xương máu người dân không phải đổ, đó là điều quan trọng.
Việc tàu Địa chất Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc bắt đầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7, vừa mới rời đi cho thấy hiệu quả của việc ứng xử kiên quyết đi đôi với mềm dẻo này. Câu chuyện này sẽ còn lặp đi lặp lại, cần sự bình tĩnh, tránh nóng vội.
Tại phiên Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp 8, sáng 31/10, Biển Đông cũng là vấn đề "nóng" nghị trường.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị Chính phủ cần phải có thông tin đầy đủ hơn về tình hình bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước, để người dân yên tâm, tin tưởng vào tương lai và kết quả bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ.
Còn đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, với tư cách là người viết sử như ông, báo cáo của Chính phủ còn là sử liệu cho đời sau.
“Hạt sạn” trong báo cáo của Chính phủ mà ông Quốc chỉ ra là báo cáo đã không nói rõ chủ ngữ của hành động vi phạm nghiêm trọng trên các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế là ai.
Ngoài ra, "Ngay trên diễn đàn Quốc hội cũng vậy, vẫn có vị đại biểu né tránh, thay thế việc chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài. Người dân chúng ta thấy thế nào và người Trung Quốc thấy thế nào về cái tâm thế khó hiểu ấy?" - ông Quốc nói.
Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, tại phiên Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ngày 30/10, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị: “Chúng ta cần công khai, cập nhật chi tiết hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ, để dư luận tiến bộ Việt Nam và trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc, được biết”.