GS.TS Bùi Công Hiển, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện có rất ít thông tin về tình hình bảo tồn và khai thác nhóm động vật nhỏ bé này. Ngay cả những trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cũng chỉ quan tâm đến nhóm thú và chim. Việc bảo tồn và khai thác tài nguyên côn trùng nói chung và bảo tồn những loài côn trùng có trong sách đỏ và quý hiếm ở nước ta chưa được quan tâm.
Để bảo tồn, với một số loài côn trùng nêu trên, có thể chia thành 3 nhóm cần phải giải quyết khi muốn bảo tồn và khai thác. Nhóm thứ nhất như Bọ lá, Bọ ngựa… cần phải có nghiên cứu điều tra cơ bản và xây dựng khóa định loại cho các loài Bọ lá, Bọ que và Bọ ngựa… có ở Việt Nam. Điều mà đến nay chưa ai thực hiện. Nhóm thứ hai, như các loài bướm và cánh cứng, rõ ràng để bảo tồn cần phải biết chúng ăn gì, sống thế nào hay những đặc điểm sinh học, sinh thái học cơ bản của chúng. Trên cơ sở đó xem xét lại vùng chúng đang sinh sống có bị tàn phá không… Nếu môi trường sống của chúng bị suy giảm, cần có biện pháp gì để phục hồi. Chẳng hạn, trồng lại một loài cây là ký chủ của sâu bướm để chúng tồn tại. Nhóm thứ ba, như cánh kiến đỏ, cà cuống… đang được nhân nuôi và khai thác, sẽ xác định có cần phải bảo tồn hay khai thác bền vững ra sao?
Việc khai thác côn trùng ở nước ta đang ở giai đoạn “tự phát”, mang tính hủy diệt. Thậm chí, việc phá rừng, việc chuyển đổi rừng tự nhiên để phát triển các ngành kinh tế khác cũng trực tiếp hạn chế sự phát triển của côn trùng, đặc biệt là những côn trùng quý hiếm, có phổ sinh thái hẹp. Có lẽ con đường hiệu quả nhất để bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên côn trùng là nhân nuôi bán nhân tạo hoặc nhân tạo tại chỗ.