Khánh thành 10 năm chưa thể mở cửa đón khách
Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội đề xuất phương án quản lý, sử dụng công trình Bảo tàng Hà Nội hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ cho biết lý do dẫn đến chỉ đạo trên là bởi công trình này đã khánh thành 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể mở cửa đón khách.
Bảo tàng Hà Nội nằm ngay trên đường Phạm Hùng, được khánh thành ngày 6/10/2010, diện tích khu đất nghiên cứu là 53.963m2, diện tích xây dựng 11.925m2, với 04 tầng nổi và 02 tầng hầm, kiến trúc hình khối kim tự tháp ngược.
Theo phê duyệt ban đầu, Bảo tàng Hà Nội gồm không gian trưng bày 8.720m2; Khu hội thảo - nghiên cứu khoa học 1.150m2; Kho bảo quản hiện vật, khu vệ sinh 7.070m2; Khu hành chính, nghiệp vụ 436m2; Kỹ thuật phụ trợ 574m2; Khu trưng bày ngoài trời - sân vườn 25.000m2.
Phê duyệt hồ sơ thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội năm 2011 cho thấy, tầng 1 của Bảo tàng sẽ là không gian trưng bày hình ảnh Rồng thiêng - linh hồn, lịch sử văn hoá của Hà Nội - một Thành phố lớn, Thủ đô của một đất nước; Là không gian dành cho các phòng trưng bày tạm thời và không gian phục vụ.
Tầng 2 là không gian trưng bày về đặc điểm tự nhiên (chủ đề Tự nhiên và Tài nguyên thiên nhiên Hà Nội); Không gian trưng bày Thời tiền Thăng Long (Chủ đề Hà Nội, thời tiền sử - sơ sử); Khu văn hoá các dân tộc Hà Nội và không gian dành cho sảnh đón tiếp khách tham quan.
Tầng 3 sẽ là không gian trưng bày về Chủ đề Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII; Chủ đề Hà Nội, từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Tầng 3 cũng là không gian trưng bày lối sống của người Hà Nội, Bác Hồ với Hà Nội và các bộ sưu tập cá nhân.
Tầng 4 là không gian trưng bày về Chủ đề Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và cuộc trường chinh từ 1945 - 1975 và Chủ đề Hà Nội, Thủ đô nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất. Ngoài ra, tầng 4 cũng là nơi trưng bày các bộ sưu tập tiền cổ; đồ mỹ nghệ, cổ vật nước ngoài…
Theo phê duyệt tháng 11/2012 của UBND TP Hà Nội, tổng mức đầu tư cho công trình này là hơn 2.910 tỷ đồng, triển khai thành 02 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có phần xây lắp và thiết bị đầu tư 1.957 tỷ đồng (đã hoàn thành việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội vào dịp 10/10/2010). Giai đoạn 2 là phần trưng bày được đầu tư 789.004 tỷ đồng gồm thiết kế tổng thể trưng bày, thiết kế chi tiết, thi công dàn dựng trưng bày, sưu tầm và phục chế hiện vật.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa hoàn thiện. Thậm chí suốt thời gian đó, công trình này đã phải bổ sung, điều chỉnh lớn, gần như cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày, nên vẫn chưa thể hoàn thành nội dung trưng bày nội thất để có thể chính thức mở cửa đón khách tham quan.
Nói cách khác, thời điểm khánh thành, công trình này mới chỉ là “phần vỏ”. Thực tế, dù được đầu tư nghìn tỷ đồng, nhưng số lượng tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội đến nay còn nghèo nàn, lượng khách đến thăm quan rất thưa thớt.
Bảo tàng Hà Nội được thiết kế với hình khối kim tự tháp ngược. |
Những lần chuyển đổi cơ cấu
Bảo tàng Hà Nội được phê duyệt đầu tư ngày 21/4/2008. Theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bảo tàng Hà Nội năm 2009, thì đây là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, có chức năng bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Đơn vị phải tổ chức sưu tầm tài liệu, hiện vật về lịch sử Thăng Long - Hà Nội; nghiên cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội; kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các tài liệu, hiện vật lịch sử Thăng Long - Hà Nội; hướng dẫn, phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và học tập;...
Năm 2017, Hà Nội chấm dứt hoạt động của Ban Quản lý dự án xây dựng Bảo tàng hà Nội và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, cơ chế tài chính của Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội. Đồng thời, giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội phần nội dung trưng bày.
Ngày 27/9/2019, trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, UBND TP Hà Nội tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của Bảo tàng Hà Nội và hình thức quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội. Theo đó lại thành lập Ban Quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội để quản lý dự án phần nội dung trưng bày theo hình thức Ban quản lý dự án một dự án trên cơ sở kiện toàn Phòng Quản lý dự án thuộc Bảo tàng Hà Nội. Bảo tàng Hà Nội cũng được sử dụng cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm, thuê chuyên gia, hợp đồng thời vụ để triển khai dự án.
Cũng tháng 9/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký Văn bản số 8196 về đề án chuyển đổi mô hình quản lý, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, giao UBND TP. Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xây dựng đề án chuyển làng này từ Bộ về Hà Nội. Thủ tướng cũng giao Bộ VH-TT&DL chủ trì xây dựng đề án chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng Hà Nội đã nhiều lần được điều chuyển hình thức quản lý cũng như nhiệm vụ, chức năng, cơ cấu và có nhiều gắn liền với việc thực hiện dự án quan trọng trưng bày - “phần ruột” của dự án.
Theo quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/4/2019 thì mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản có 01 bảo tàng cấp tỉnh (giai đoạn đến năm 2021) và tiếp tục duy trì 01 bảo tàng cấp tỉnh cho đến giai đoạn đến năm 2030.
Như vậy, câu hỏi tại sao Hà Nội là Thủ đô với bề dày văn hiến, lịch sử cách mạng, mà lại không có bảo tàng riêng, đã tự nhiên được đặt ra? Hay liệu Bảo tàng các tỉnh có chuyển hết về Bộ VH-TT&DL quản lý hay không?... là câu hỏi được các đại biểu Quốc hội đặt ra.