Bảo tàng Hà Nội có tổng diện tích 53.963m2, với chiều cao 30,70m, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần. Công trình xây dựng nhà Bảo tàng được khánh thành vào năm 2010 (giai đoạn 1). Nhưng từ đó đến nay, giai đoạn 2 xây dựng khu Trưng bày tài liệu, hiện vật chưa được hoàn thành.
Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho biết đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội đề xuất phương án quản lý, sử dụng công trình Bảo tàng Hà Nội hiệu quả, bởi công trình này đã khánh thành 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể mở cửa đón khách.
Phóng viên Báo KH&ĐS đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội xung quanh thông tin này.
- Xin ông cho biết thông tin việc tới đây Bảo tàng Hà Nội sẽ chuyển quyền quản lý về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như thế nào?
Đến nay tôi chưa biết cũng chưa thấy chủ trương gì về việc này. Hiện Bảo tàng Hà Nội vẫn đang hoạt động bình thường, thực hiện kế hoạch UBND TP Hà Nội giao.
Gần đây nhất là ngày 15/5 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có kết luận yêu cầu Bảo tàng Hà Nội dành toàn lực cho công tác thiết kế, thi công khu trưng bày. Dự kiến tháng 8/2020 sẽ khánh thành thực hiện giai đoạn 2, tháng 6/2021 Bảo tàng Hà Nội sẽ hoàn thành xong khu trưng bày, vào cuối năm 2021 sẽ bắt đầu đón tiếp khách.
Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội. Ảnh Minh Quang |
- Tại sao 10 năm nay Bảo tàng Hà Nội chưa thể thực hiện xong khu trưng bày, thưa ông?
Công trình Bảo tàng Hà Nội triển khai theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây lắp (đã hoàn thành và bàn giao 2010) và giai đoạn 2 là xây dựng khu trưng bày. Tuy nhiên, đến nay chưa thể xây dựng được khu trưng bày bởi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.
Thêm nữa, với kịch bản khu trưng bày và được phê duyệt ban đầu, chúng tôi thấy rất khó khăn trong việc trưng bày vì thiếu tư liệu, hiện vật. Tuy rằng, kịch bản văn học đã xong rất hay nhưng thực tế chuyển ra thành ngôn ngữ của Bảo tàng cần phải có đầy đủ tư liệu, hiện vật để chứng minh. Thật sự là thiếu hiện vật và rất khó khăn.
Chính vì vậy, năm 2016 Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kết luận điều chỉnh, bổ sung nội dung kịch bản trưng bày để đảm bảo phù hợp với thực tế tư liệu, hiện vật Bảo tàng Hà Nội đang có và có khả năng cao trong việc sưu tập.
Sau khi nhận được chỉ đạo trê, đến nay Bảo tàng Hà Nội đã sưu tầm được khoảng hơn 70.000 tài liệu, hiện vật. Dự kiến đến tháng 6/2021 hoàn thành khu trưng bày sẽ có đầy đủ tư liệu, hiện vật theo kịch bản thiết kế mới được điều chỉnh.
Việc sưu tầm hiện vật cũng rất khó khăn, bởi hiện nay TP Hà Nội chưa áp dụng Thông tư 11/2013/TT-BVHTTDL về sưu tầm hiện vật, cho nên Bảo tàng Hà Nội chưa thể mua được hiện vật mà vẫn phải sưu tầm theo hình thức truyền thống là về địa phương, người dân để vận động hiến tặng.
Bảo tàng Hà Nội xung quanh vấn đề chuyển quyền quản lý về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
- Như vậy, so với phê duyệt cũ thì khu trưng bày tới đây sẽ điều chỉnh, bổ sung ra sao, thưa ông?
Hiện nay, theo phương án xây dựng điều chỉnh thì Bảo tàng Hà Nội sẽ có 7 chủ đề (25 tiểu chủ đề) và 1 chuyên đề được giới thiệu tại 3 tầng nhà Bảo tàng. Cùng với đó vị trí tầng 1 của bảo tàng sẽ là nơi đón tiếp và hướng dẫn khách tham quan, nơi gửi đồ, cửa hàng lưu niệm.
Ngoài ra, ở ngoài sân vườn, tại các vị trí ô đá, bãi cỏ đã được bảo tàng Hà Nội trưng bày và tái tạo: Phố cổ, Cổng làng, nhà Trường lang, hiện vật thể khối lớn và bảo tàng cũng có bổ sung thêm: Khu trưng bày đầu tầu hơi nước, khu phục vụ cà phê và ẩm thực, khu vực bán vé...
Để bảo đảm tiến độ đã đề ra, Bảo tàng Hà Nội sẽ triển khai theo hình thức vừa thiết kế, vừa thi công trưng bày. Tiến độ trưng bày được thực hiện theo từng bước: điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật (thiết kế kỹ thuật, thuyết minh và dự toán), thẩm tra, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật; điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công (thiết kế kỹ thuật, thuyết minh và dự toán), thẩm tra và phê duyệt hồ sơ thiết kế thi công; Lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công dàn dựng trưng bày.
- Vậy tổng mức đầu tư cho khu trưng bày là bao nhiêu, thưa ông?
Theo phê duyệt cũ tổng mức đầu tư giai đoạn 2 của Bảo tàng Hà Nội là 798 tỷ đồng, tuy nhiên điều chỉnh mới nhất còn hơn 700 tỷ đồng. Nhìn chung khi ta cấp tổng mức đầu tư mang tính dự báo để yên tâm mà làm nhưng còn do chủ đầu tư. Chủ đầu tư có khi làm tất từng đó tiền, nhưng quan điểm của tôi và tôi đã báo cáo UBND TP Hà Nội chắc chắn không hết hơn 700 tỷ đồng. Cái gì đáng đầu tư thì chúng tôi đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.
Các hạng mục cổng làng Đường Lầm, voi đá, ngựa đá, nhà phố cổ... đã làm nằm trong tổng kinh phí xây dựng khu trưng bày vì giai đoạn đó Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư và họ đã giải ngân khối lượng công việc đó. Hiện nay, còn khoảng trên 500 tỷ đồng nữa, chắc chắn Bảo tàng Hà Nội sẽ làm không hết số tiền trên.
- Cảm ơn ông!