Bão số 2 áp sát vùng biển Hải Phòng đến Nghệ An

Bão số 2 đã đi vào vịnh Bắc Bộ và khả năng tiến sâu vào đất liền các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Nghệ An. Từ chiều tối 12/6, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất hiện mưa lớn.
Dự báo đường đi của bão số 2 Bão số 2 di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h. Rạng sáng 13/6, bão tiến vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Chiều 12/6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 2 đã vượt đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đi vào vịnh Bắc Bộ. Ảnh hưởng của bão, huyện đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Mưa lớn bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.

Lúc 16h, tâm bão cách huyện đảo Bạch Long Vĩ 140 km về phía đông nam; cách đất liền khu vực từ Hải Phòng đến Nghệ An khoảng 260 km. Sức gió mạnh nhất 65 km/h, tương đương cấp 8, giật cấp 10.

Tối và đêm nay, bão đi theo hướng tây tây bắc, vận tốc 15-20 km/h. 4h sáng 13/6, tâm bão nằm ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An. Sức gió duy trì cấp 8, giật cấp 10.

Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi, vận tốc, tiến sâu vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Những giờ tiếp theo, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và thành một vùng áp thấp.

Chiều 13/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp nằm trên khu vực vùng núi Thanh Hóa, Hòa Bình. Sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6.

Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, bão Koguma đang duy trì sức gió gần 65 km/h. Thời điểm tiếp cận ven bờ các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An trong đêm nay, bão có thể đạt cường độ mạnh nhất là 72 km/h, tương đương cấp 8, giật cấp 10. Như vậy, bão khả năng mạnh thêm trong những giờ tới nhưng không đáng kể.

Ảnh hưởng của bão, rạng sáng 13/6, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 10.

Từ chiều tối nay đến hết ngày mai (13/6), Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa lớn với lượng phổ biến 80-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt.

Riêng Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, mưa có thể xuất hiện với lượng 150-250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm. Mưa lớn ở khu vực Tây Bắc khả năng kéo dài hết ngày 14/6.

Theo bản đồ dự báo, Hà Nội nằm trong vùng ảnh hưởng của bão. Vì vậy, khu vực sẽ có mưa dông từ chiều tối 12/6 và kéo dài đến 14/6. Hiện tượng gió giật mạnh đi kèm trong cơn dông có thể làm gãy đổ cây xanh trên các tuyến phố. Ngoài ra, mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn gây nguy cơ ngập cục bộ cho một số tuyến phố ở nội thành.

Chuyên gia khuyến cáo thời tiết mưa to và tình trạng ngập úng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian di chuyển của các thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội, đặc biệt vào thời điểm trước và sau giờ thi các ngày 13-14/6.

Chiều 12/5, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có văn bản khẩn, yêu cầu ngành chức năng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị khẩn trương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; kiên quyết không để người ở lại chòi canh, lồng bè.

Các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ cần tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; tổ chức cho người dân gia cố nhà ở, công trình công cộng; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân khu vực chịu ảnh hưởng của bão.

Với khu vực miền núi, Ban chỉ đạo yêu cầu lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, các khu hầm lò, khai thác khoáng sản; sơ tán dân tại những khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

 
 
Theo zingnews.vn
back to top