Hỏi: Bảo quản muối iod có giống các loại muối thông thường không?
Trần Thị Lý (Hà Nội)
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội: Muối iod là muối thường được trộn iod theo một hàm lượng cho phép. Các loại thức ăn có nhiều iod là thủy hải sản như cá, tôm, cua, ốc, tảo; rau, trái cây có màu sậm, phủ tạng động vật, sữa… Tuy nhiên, nguồn thức ăn tự nhiên có chứa iod ngày càng giảm hàm lượng đi do chất lượng thực phẩm kém, hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, xói mòn… làm giảm đi rất nhiều lượng iod có trong thực phẩm tự nhiên. Do đó, cần phải sử dụng muối iod trong chế biến nấu ăn hàng ngày.
Hiện nay, muối iod đảm bảo chất lượng được quy định tại nơi sản suất là 40 - 50 mcg/10 g muối iod. Để tránh không mua phải muối giả, không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh, người sử dụng muối cần nắm rõ các lưu ý khi mua muối iod: Bao muối đề ngoài là muối iod; có hàm lượng iod cụ thể; có bao bì nguyên vẹn, muối phải khô, sạch, không lẫn những tạp chất bẩn; có nhãn mác nơi sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng; có đăng ký chất lượng rõ ràng.
Bảo quản muối iod bằng cách để trong hũ có nắp đậy kín hoặc túi nylon buộc kín; để hũ, túi đựng muối iod xa bếp, tránh ánh sáng, tránh nguồn nhiệt; dùng xong mỗi lần rửa hũ sạch, phơi khô rồi lại dùng tiếp đợt khác. Dùng như muối thường trong mọi hình thức nấu ăn, chế biến, cả khi muối dưa, muối cà, làm mắm, làm gia vị…; dùng thường xuyên, liên tục, ngay cả những vùng, khu vực khi đã thanh toán được các tình trạng rối loạn iod. Phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt iod thông qua việc sử dụng thường xuyên muối iod và chế phẩm có iod đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe toàn dân, nhất là bà mẹ và trẻ em, nhằm đạt được mục tiêu phát triển sức khỏe của người Việt.
Phong Lâm