Ông Nguyễn Văn Thọ, Sở KH&CN Vĩnh Phúc cho biết, người dân hiện trồng khá nhiều loại nấm khác nhau, từ nấm làm thực phẩm đến nấm làm trà uống như linh chi, vân chi, lim xanh… Để bảo quản được lâu, người ta thường sử dụng những phương pháp như phơi nắng, quạt thổi, sấy bằng bóng đèn…
Phương pháp làm khô đơn giản nhất là phơi nắng, có ưu điểm là tận dụng được năng lượng mặt trời, tiết kiệm chất đốt; nhưng thời gian làm khô kéo dài, làm giảm các hoạt chất, chất dinh dưỡng, màu sắc nấm kém, đòi hỏi nhiều diện tích sân phơi, khó giải quyết được khối lượng lớn và đặc biệt là phụ thuộc vào thời tiết. Nếu nấm thu hoạch vào mùa đông và mùa xuân nên thời tiết nhiệt độ thấp, ít nắng, ẩm cao nên nấm rất rễ bị mốc.
Với phương pháp sấy nóng thủ công thì nấm được sấy nhanh hơn, khô triệt để hơn, độ ẩm có thể đạt 10% (sấy bằng phương pháp thủ công, độ ẩm của nấm còn khá cao ở mức 18-20%) và bảo quản được lâu hơn. Tuy nhiên khi sấy ở nhiệt độ cao, làm giảm chất lượng của nấm, màu sắc, hương vị không được giữ nguyên. Tốt nhất là nên sấy lạnh với nhiệt độ thấp giúp hoạt chất, chất dinh dưỡng có trong nấm vân chi không bị thay đổi trong quá trình sấy.
Ngoài ra bảo quản nấm phải đúng cách, sử dụng các bao gói chân không, để trong môi trường nhiệt độ không quá cao, không quá thấp. Chỉ có như thế thì nấm mới giữ được những hoạt chất cơ bản. Người sử dụng chỉ nên mua số lượng vừa phải, dùng hết lại mua. Không nên tích trữ nấm quá lâu trong nhà dễ làm nấm bị mất hoạt chất, không còn bổ dưỡng nữa.