<div> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Báo Mỹ “giải mã” sự thành công của Việt Nam khi chống dịch Covid-19 - 1" data-original="https://khds.1cdn.vn/2020/04/18/icdn-dantri-com-vn_20200415-t-035853-z-1769410137-rc-2-r-4-g-9-o-7-ciyrtrmadp-3-healthcoronavirusvietnamsecurity-1587139562813.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/04/18/icdn-dantri-com-vn_20200415-t-035853-z-1769410137-rc-2-r-4-g-9-o-7-ciyrtrmadp-3-healthcoronavirusvietnamsecurity-1587139562813.jpg" title="Báo Mỹ “giải mã” sự thành công của Việt Nam khi chống dịch Covid-19 - 1" /> <figcaption> <p>Áp phích tuyên truyền việc cấm đưa tin sai sự thật về dịch Covid-19 tại Hà Nội. (Ảnh: Reuters)</p> </figcaption> </figure> <p>Đài<em> NPR</em> (Mỹ) ngày 16/4 đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Tại Việt Nam, số ca mắc Covid-19 ít hơn 300 người và không có ca tử vong. Đây là lý do”.</p> <p>Theo<em> NPR</em>, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, tuy nhiên cho đến nay không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào và cũng chỉ có 268 ca mắc Covid-19. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á khác ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm.</p> <p><em>NPR</em> dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, “kinh nghiệm đối phó với các đại dịch trước đây, việc thực thi nghiêm ngặt các chính sách giãn cách xã hội từ sớm và hành động quyết liệt của các nhà lãnh đạo” đã giúp Việt Nam đạt được thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.</p> <p>“Việt Nam đã có cam kết chính trị ngay từ đầu ở cấp cao nhất. Và quyết tâm chính trị đó được triển khai nhất quán từ cấp trung ương tới địa phương”, John MacArthur, đại diện của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ở Thái Lan, nhận định.</p> <p>Theo <em>NPR</em>, với “kinh nghiệm” có được từ chiến dịch đối phó với dịch SARS năm 2003 và dịch H1N1 năm 2009, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 từ tháng 1, ngay sau khi thông tin về dịch bắt đầu xuất hiện từ Vũ Hán, Trung Quốc - nơi khởi phát dịch. </p> <p>“Việt Nam đã nhanh chóng triển khai hàng loạt chiến thuật, bao gồm cách ly trên diện rộng và tích cực truy tìm những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Việt Nam còn nhận được sự khen ngợi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC về sự minh bạch trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh”, <em>NPR</em> đưa tin.</p> <p>Đài Mỹ cho biết hàng chục nghìn người đã được đưa vào các khu cách ly tại Việt Nam. Đến cuối tháng 3, Việt Nam đã cấm tất cả chuyến bay quốc tế và nội địa. Chính phủ cũng thực hiện cách ly xã hội từ ngày 1/4. Các yêu cầu về giãn cách xã hội và ở trong nhà cũng được kéo dài thêm ít nhất một tuần nữa.</p> <p>Cũng theo<em> NPR</em>, những người vi phạm quy định về chống dịch tại Việt Nam đều bị xử lý nghiêm. Đường phố tại các thành phố lớn trở nên vắng vẻ dù bình thường những con đường này luôn tấp nập phương tiện qua lại.</p> <p>Khi những khó khăn về kinh tế do việc cách ly xã hội ngày càng rõ ràng hơn, một số doanh nghiệp đã vào cuộc giúp đỡ. Một doanh nghiệp đã thiết lập những cây “ATM gạo” để phân phát gạo miễn phí cho những người mất việc làm.</p> <p>Trong khi một số người hoài nghi về số ca mắc Covid-19 tương đối thấp tại Việt Nam, chuyên gia MacArthur khẳng định những số liệu này là chính xác.</p> <p>“Đội ngũ của tôi tại Hà Nội đang làm việc rất chặt chẽ với các đồng nghiệp của họ tại Bộ Y tế Việt Nam. Những thông tin mà tôi có được từ đội ngũ của tôi tại Việt Nam cho biết vào thời điểm này, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những con số đó là không chính xác”, <em>NPR</em> dẫn lời ông MacArthur cho biết.</p> <p><strong>Câu chuyện thành công của Việt Nam</strong></p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Báo Mỹ “giải mã” sự thành công của Việt Nam khi chống dịch Covid-19 - 2" data-original="https://khds.1cdn.vn/2020/04/18/icdn-dantri-com-vn_20200413-t-000000-z-1573880705-rc-2-i-3-g-9-u-37-o-1-rtrmadp-3-healthcoronavirusvietnamriceatm-1587139560228.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/04/18/icdn-dantri-com-vn_20200413-t-000000-z-1573880705-rc-2-i-3-g-9-u-37-o-1-rtrmadp-3-healthcoronavirusvietnamriceatm-1587139560228.jpg" title="Báo Mỹ “giải mã” sự thành công của Việt Nam khi chống dịch Covid-19 - 2" /> <figcaption> <p>Người dân đến lấy gạo tại điểm phát gạo miễn phí tự động ở TP HCM. (Ảnh: Reuters)</p> </figcaption> </figure> <p>Tạp chí <em>Foreign Policy</em> (Mỹ) ngày 15/4 đưa tin, “sự minh bạch và chủ động ứng phó của Việt Nam trước đại dịch Covid-19 đã nhận được sự ca ngợi từ cả trong nước và quốc tế”.</p> <p>Bài viết cho biết Việt Nam “nổi lên như một trong những câu chuyện thành công lớn trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19”.</p> <p>Theo <em>Foreign Policy</em>, số người được xét nghiệm Covid-19 tại Việt Nam lớn hơn nhiều so với hầu hết các nước Đông Nam Á. Chẳng hạn, Việt Nam đã xét nghiệm cho khoảng 122.000 người, trong khi một nước đông dân như Philippines mới chỉ tiến hành 45.000 xét nghiệm và có hơn 5.800 ca nhiễm.</p> <p>Tạp chí Mỹ đã nêu lại hàng loạt biện pháp được Việt Nam triển khai để chống dịch Covid-19.</p> <p>Ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại nước láng giềng Trung Quốc hồi tháng 1, chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng và hiệu quả, trở thành nước đầu tiên trong khu vực hạn chế đi lại với Trung Quốc.</p> <p>Khi tâm dịch chuyển sang châu Âu, chính phủ Việt Nam cũng chỉ đạo cách ly xã hội và triển khai một trong những chiến dịch cách ly lớn nhất thế giới đối với những người từ nước ngoài trở về.</p> <p>Việt Nam cũng đóng cửa các trường học và các hoạt động kinh doanh không thiết yếu. Mặc dù là nước có thu nhập trung bình và ngân sách dành cho y tế chỉ bằng một phần nhỏ so với các nước phát triển khác, nhưng hệ thống y tế của Việt Nam dường như không bị quá tải. Việt Nam thậm chí còn quyên tặng vật tư y tế cho các nước châu Âu.</p> <p><em>Foreign Policy</em> cho biết chính phủ Việt Nam “rất minh bạch với người dân về cuộc khủng hoảng dịch bệnh”. Các bộ trưởng họp báo hàng ngày và các bài phát biểu được chiếu trên đài truyền hình quốc gia. Các nhà mạng gửi tin nhắn thường xuyên để cập nhật tình hình dịch bệnh cho người dân. Những cảnh báo về y tế của chính phủ Việt Nam thậm chí còn được dịch cho người nước ngoài.</p> <p>“Truyền thông rõ ràng và sự phối hợp giữa chính phủ và người dân bằng cách tận dụng công nghệ là những lý do chính khiến Việt Nam có tương đối ít ca mắc Covid-19”, <em>Foreign Policy</em> dẫn lời Hong Kong Nguyen, một nhà nghiên cứu tại Hà Nội, nhận định.</p> <p><strong>Thành Đạt</strong></p> <p>Theo <em>NPR, FP</em></p> </div> <p> </p>