Bạo lực học đường: Chúng ta đang thả nổi hành vi của học sinh

(khoahocdoisong.vn) - Liên tiếp các vụ việc bạo hành học đường xảy ra gây bức xúc dư luận. Một trong những giải pháp theo TS Nguyễn Tùng Lâm, là phạt tiền thật nặng, may ra các em mới sợ.

Cần xem xét, sửa lại luật

Một trong số những điều dư luận quan tâm trong vụ việc lột đồ, đánh bạn ở Hưng Yên, và trong một số các vụ bạo hành học đường khác là sẽ xử phạt các em tham gia đánh bạn thế nào để đủ sức răn đe? Trong khi, luật pháp của chúng ta lại chưa có quy định xử lý hình sự đối với trẻ chưa thành niên.

Chia sẻ với KH&ĐS, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc chưa có quy định để xử phạt nghiêm khắc trẻ chưa thành niên chính là rào cản trong việc xử lý những vụ việc liên quan tới bạo lực học đường.

“Các em này đã xâm hại đến bạn cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng ta không đuổi học các em, nhưng các em phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục có quy định xúc phạm nhân phẩn, danh dự; xâm phạm thân thể người học phạt từ 10-30 triệu đồng.

Nạn nhân trong vụ lột đồ đánh bạn ở Hưng Yên.

Nạn nhân trong vụ lột đồ đánh bạn ở Hưng Yên.

Theo tôi, cứ phải xử phạt hành chính, phạt các em cùng phụ huynh mấy chục triệu thì các em mới sợ. Chứ không phải đưa ra hội đồng kỷ luật rồi xin lỗi thế là xong”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH, bà Phạm Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, luật pháp của ta còn chưa đủ mạnh để có tính răn đe, cảnh báo đối với hành vi vi phạm pháp luật của người chưa đủ 16 tuổi khi họ phạm vào tội ít nghiêm trọng.

Trong khi đó, để chịu trách nhiệm hình sự thì lại e rằng chưa đủ căn cứ để xử lý theo quy định của luật. Bởi phải qua các bước giám định khác mới biết các em ấy có phạm vào các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hay không.

Đồng thời, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng gặp rào cản về các quy định của luật, qua tìm hiểu, các em lại không thuộc đối tượng để áp dụng.

Như vậy, nhìn ngược lại vấn đề sẽ rất dễ khiến dư luận càng bất bình hơn. Vì hành lang pháp lý để tìm lại sự công bằng cho nạn nhân còn mỏng manh. Theo bà Hiền rất cần phải có sự xem xét, sửa đổi luật.

Phải chọn lọc giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng

Khi vụ việc học sinh lột đồ, đánh bạn ở Hưng Yên xảy ra, một điều khiến dư luận bức xúc là vai trò của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) không hề có, thậm chí không xử lý mà còn yêu cầu xóa video.

Tương tự, các vụ việc bạo hành khác cũng vậy. Câu hỏi đặt ra, vậy trách nhiệm của GVCN ở đâu?

TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, hiện nay GVCN chưa được chọn lọc, chưa nêu cao được vị trí, vai trò của họ. Nhiều khi cứ ai rỗi thì chủ nhiệm chứ không phải là những người có phẩm chất, năng lực sư phạm.

Nữ sinh bị nhóm nữ sinh bắt quỳ gối xin lỗi - Ảnh: D.HÒA (TT) cắt từ video clip.

Nữ sinh bị nhóm nữ sinh bắt quỳ gối xin lỗi - Ảnh: D.HÒA (TT) cắt từ video clip.

“Theo tôi, GVCN cũng là một dạng cán bộ quản lý của nhà trường, phải nhìn họ ở vai trò như vậy. Nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu rèn phẩm chất và năng lực học trò, thì người tập hợp và có tác động nhiều nhất đối với học trò chính là GVCN. Chứ GVCN chỉ có phê và ký học bạ thì không đủ”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Theo đó, theo TS Lâm, GVCN cần phải biết tổ chức giờ sinh hoạt lớp thế nào, giải quyết vấn đề tư tưởng của các em theo cách của các em ra làm sao.

“Muốn có được điều này thì phải huấn luyện, bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm và phải trả cho họ một số tiền lương cho thỏa đáng. Trên cơ sở đó, khi có sự việc xảy ra mới quy trách nhiệm cho họ được. Nếu không, chỉ là giải quyết được phần ngọn”, TS Lâm nói.

Và điều này, không chỉ đối với giáo viên chủ nhiệm, mà theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng cũng cần như vậy.

“Vụ việc ở Hưng Yên, thầy hiệu trưởng trả lời do học sinh hiền quá nên bị đánh thì thầy không phải là nhà sư phạm.

Vừa rồi, trong ý kiến góp ý cho Luật giáo dục, các ý kiến đánh giá hiệu trưởng phải có năng lực này kia, tôi nói rằng hiệu trưởng trước hết phải có năng lực sư phạm. Phải có năng lực sư phạm thì mới có các biện pháp để giáo dục học sinh được.

"Ta kỷ luật để thể hiện trách nhiệm của hiệu trưởng, nhưng lâu dài phải nghĩ tới chọn lọc hiệu trưởng, không như hiện nay, nhiều khi là do quen thân và lâu năm thì được làm. Trong khi, hiệu trưởng là người làm công tác giáo dục, chịu trách nhiệm rất lớn”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Đừng chỉ đổ lỗi cho nhà trường

Liên tiếp những vụ việc bạo hành học đường khiến dư luận “trút lửa” lên ngành giáo dục. Nhưng lỗi liệu có phải chỉ do giáo dục nhà trường?

ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, trẻ em học ở người lớn rất nhiều về cách ứng xử. Hành vi con người và môi trường xã hội luôn có sự tác động lẫn nhau, không chỉ ở môi trường giáo dục.

“Ngay cả việc lột đồ, đánh bạn rồi quay phim lại, tôi cho rằng học trò cũng học phần lớn ở trên mạng. Cho nên, để giáo dục các em, trước hết, người lớn cần phải làm gương.

Tất nhiên, trách nhiệm của nhà trường rất lớn. Nhưng xét về nguyên nhân, không phải cái gì cũng đổ hết lỗi cho giáo dục trong nhà trường”, bà Phạm Thị Minh Hiền nói.

Ngoài ra, theo bà Hiền, chúng ta cũng cần mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế. Những vụ việc bạo hành, người lớn đánh nhau nơi công cộng được tung lên mạng xã hội, thậm chí nhận được không ít sự tham gia cổ vũ đã không được xử lý triệt để.

Hoặc báo chí đưa tin phản ánh chưa đi đến tận cùng sự việc, khi cơ quan công an vào cuộc, dễ dẫn đến việc các em lầm tưởng đó là hành vi được xã hội thừa nhận.

“Các em thấy, người lớn làm mà không bị pháp luật truy cứu thì trẻ em cũng có thể làm được. Khi các em mang tâm lý không sợ thì rất nguy hiểm, việc hành hung sẽ ở mức độ bạo tàn hơn”, bà Hiền nói.

Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay chúng ta có nhiều chỉ thị, nghị quyết hướng dẫn. Nhưng chương trình giáo dục giá trị kỹ năng sống đến từng học sinh chưa có. Chúng ta đang thả nổi, mặc cho các em muốn làm gì thì làm, đó là điều nguy hiểm. Cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

“Đừng cho rằng, các em như vậy là “bỏ đi”, đó là suy nghĩ sai lầm. Các em vẫn cần được giáo dục, được theo sát, tìm hiểu tâm tư, và phân tích lần sau có nên làm như vậy nữa hay không”, thầy Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo Đời sống
back to top