Ngày 31/5, BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan liên quan về sử dụng thẻ BHYT điện tử thay cho thẻ giấy thông thường, sau khi được Bộ Y tế thống nhất. Theo đó, từ ngày 1/6, người dân khám chữa bệnh bằng BHYT được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho sử dụng thẻ BHYT giấy.
Bảo hiểm y tế điện tử, thuận tiện trăm bề
VssID là ứng dụng của BHXH Việt Nam trên nền tảng thiết bị di động. Có thể hiểu đơn giản là khi người dân có Bảo hiểm y tế (BHYT) đến khám, chữa bệnh được sử dụng quét mã QR hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế việc sử dụng thẻ BHYT giấy như trước đây.
Với rất nhiều người thường xuyên đi khám bệnh, việc quên thẻ BHYT hoặc thẻ BHYT đã bị rách hoặc mất thì như trước đây, việc khám bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Lợi ích của BHYT điện tử là bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh không cần xuất trình thẻ gốc bản giấy như trước và trên ứng dụng VssID còn nhiều thông tin khác như chứng minh thư nhân dân, hình ảnh người bệnh trên thẻ, lịch sử khám chữa bệnh, lịch sử thay đổi quyền lợi hưởng nên người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin khá dễ dàng, thuận tiện mà không cần giao tiếp với cán bộ BHXH.
Theo PGS.TS Lê Văn Hợi, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K, việc triển khai ứng dụng VssID trong khám, chữa bệnh BHYT là một giải pháp tích cực. Sử dụng thẻ BHYT điện tử mang lại lợi ích cho cả người bệnh, thuận tiện hơn rất nhiều cho bệnh viện trong thủ tục hành chính, cũng như khám, điều trị. Từ đó rút ngắn thời gian thăm khám, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trong tình hình rất phức tạp như hiện nay.
Vì sao người dân chưa mặn mà?
Thuận tiện là vậy, nhưng thực tế số lượng bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT điện tử đến khăm khám tại các bệnh viện chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Một phần do thói quen sử dụng thẻ giấy, một phần do chưa nắm được thông tin cụ thể.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Lê Văn Hợi cho biết, hiện nay tỷ lệ sử dụng thẻ BHYT điện tử còn thấp, khoảng dưới 20% với Khoa Khám bệnh, các Khoa Nội trú có cao hơn nhưng chắc cũng không vượt quá 20.
Theo PGS.TS Lê Văn Hợi, việc người dân sử dụng thẻ BHYT điện tử khám chữa bệnh còn ít, chủ yếu do đối tượng bệnh nhân có khả năng sử dụng còn thấp, nhiều người bệnh không thạo về công nghệ, việc đăng ký sử dụng thẻ còn nhiều bất cập khi người dân phải đến trực tiếp cơ quan BHXH quận, huyện nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để hoàn tất thủ tục (chưa làm được trực tuyến toàn bộ) dẫn tới khả năng tiếp cận của bệnh nhân với hình thức này còn khó khăn.
Hơn nữa, khi mắc nhiều bệnh cùng lúc, bệnh nhân có thể sử dụng thẻ điện tử để khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh cùng lúc dẫn tới trùng chi phí, các bệnh viện sẽ phải giải trình với cơ quan BHYT. Đây cũng là một trong những điểm khó khăn khi triển khai BHYT điện tử.
Bà N.T.T. (Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bà cũng không nắm được các thông tin liên quan đến BHYT điện tử. Hơn nữa, do lo lắng bị lộ thông tin cá nhân khi sử dụng các phần mềm trên điện thoại nên khi đi khám và điều trị bà vẫn dùng thẻ giấy cho chắc.
Việc bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT điện tử hiện nay vẫn còn khá thấp, một phần do công tác tuyên truyền phổ biến tới người bệnh vẫn còn nhiều hạn chế, một phần do năng lực tiếp cận với công nghệ của người bệnh. Từ đó có thể thấy việc triển khai BHYT điện tử vào thực tiễn vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn.
Việc sử dụng thẻ BHYT điện tử mang lại lợi ích cho cả người bệnh và bệnh viện trong thủ tục hành chính, cũng như khám, điều trị.
Thông tin của người bệnh luôn được lưu trữ trên phần mềm quản lý có tính bảo mật cao giúp người bệnh an tâm điều trị sử dụng mà không cần lo lắng về vấn đề lộ thông tin cá nhân.
PGS.TS Lê Văn Hợi (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K)