Bạo hành trẻ là điều tuyệt đối cấm

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, những cáu giận của người lớn đối với trẻ càng làm cho stress của trẻ tăng cao, đôi khi dẫn đến hậu quả khiến ân hận suốt đời. Đặc biệt, bạo hành trẻ là điều tuyệt đối cấm.

Gần 2 năm ở nhà, tâm tính thay đổi là điều khó tránh khỏi

Đã có nhiều câu chuyện liên quan đến những căng thẳng, ức chế tâm lý của trẻ em khi phải ở nhà dài ngày, học trực tuyến. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em như thế nào, thưa ông?

Đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý con người, trong đó có trẻ em ở tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Trong đại dịch, cả xã hội dường như phải co mình lại, hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập, tiếp xúc… Với trẻ em, việc phải ở nhà vì trường đóng cửa, không được đến trường, không được gặp bạn bè; Không được đi chơi, không được đến những nơi mình thích, không được chạy ra đường… là nỗi khổ nhất với các trẻ em.

gs.ts-nguyen-ngoc-phu.jpg
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.

Ở nhà nhưng các em vẫn phải học trực tuyến. Với những em có kỳ vọng trong học tập, khó khăn này đã gây nên bi quan, chán ngán, có thể là khởi đầu của các chứng bệnh tâm thần. Trong khi đó, không phải em nào cũng có nhà cửa rộng rãi. Bị giam chân trong bốn bức tường chật hẹp, thiếu tiện nghi, lại đông người, diễn ra trong thời gian dài, cho đến nay đã gần 2 năm, con người dễ sinh cáu giận, tâm tính thay đổi là điều khó tránh khỏi…

Tất cả những biến động đó đã phá vỡ đời sống tinh thần bình thường của trẻ. Phá vỡ đến mức nào, ngay lúc này, khó mà nói hết được. Có lẽ phải chờ thêm các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và trên thế giới.

Nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng, không biết liệu con mình đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay chưa. Vậy có thể nhận biết những dấu hiệu đó như thế nào, thưa ông?

Tác giả Nguyễn Khắc Viện, trong cuốn Từ điển Tâm lý cho biết, nếu một người nào đó tinh thần, tâm lý, tâm trí có vấn đề, khi đó tinh thần, tâm trí, tâm lý của người đó có những rối nhiễu, rối loạn, được gọi là có những rối loạn tinh thần, hoặc còn gọi là rối loạn tâm trí, rối loạn tâm lý, và đôi khi còn được gọi một từ chung là rối loạn phát triển.

Cha mẹ có thể nhận biết con có vấn đề về sức khỏe tâm thần qua một số dấu hiệu sau: Trẻ không bình thường như những đứa trẻ khác như: chậm nói, học thì chậm viết, đọc kém, trí nhớ kém, phản ứng chậm với các tác động của ngoại cảnh hoặc đôi khi lại quá hiếu động ngay cả khi ngồi trong lớp, có những hành vi không bình thường, sở thích hạn hẹp, hành vi lặp lại, hạn chế giao tiếp hoặc không muốn giao tiếp với người khác…

Thực tế, ông có gặp nhiều những chia sẻ, cần tư vấn về sức khỏe tâm thần của trẻ em trong mùa dịch không? Thường là về vấn đề gì nhiều nhất?

Tôi có gặp nhiều. Những vấn đề thường gặp bao gồm nhiều khía cạnh như đã nói ở trên. Nhiều nhất là khó khăn trong học tập của con trẻ, lo lắng của các bậc cha mẹ, cùng một lúc phải đi làm, lại phải lo cho con học trực tuyến. Nhiều trẻ em ngồi học trực tuyến, nhưng thực ra các cháu không học, mà lại chơi game. Bố mẹ đi làm, không có ở nhà để biết mà ngăn chặn.

Nhiều em muốn học lại không biết cách học, không có người hướng dẫn, người lớn thì đi vắng, ông, bà già yếu ở nhà chỉ để cai quản cháu, không có khả năng hướng dẫn.

Với trẻ nhỏ hơn, có bà mẹ còn khoe cách xử trí thông minh của mình “Con em nó quấy, em cứ quẳng cho nó cái điện thoại là xong ngay. Em cũng có việc của em, cũng phải lo làm ăn chứ”. Nhiều đứa trẻ không chịu ăn làm bố mẹ khổ sở, tìm mọi cách, mọi chiêu trò để “lừa” trẻ có thể ăn được… Tất cả đều liên quan đến rối loạn tâm thần ở trẻ.

Cáu giận chỉ làm cho stress của trẻ tăng cao, có khi ân hận suốt đời

Trong khi trẻ vẫn tiếp tục học trực tuyến kéo dài, nhiều bậc cha mẹ bối rối, không biết làm thế nào để ngăn ngừa và xử lý khi con gặp các vấn đề về tâm lý. Bản thân họ đôi khi cũng bị ức chế và trút giận lên con cái. Theo ông, các bậc cha mẹ cần làm gì?

Học trực tuyến là điều vô cùng mới mẻ, chưa quen với cả người lớn, lẫn trẻ em. Các bậc cha mẹ không nên bối rối. Cha mẹ cần nắm vững và làm đúng những quy đị̣nh và yêu cầu của nhà trường khi con em học trực tuyến.

Để có thể làm tốt việc này, cha mẹ cũng phải tự tìm hiểu về cách học trực tuyến, lại phải nắm được nội dung học của con để kịp thời giúp đỡ con trong khi học hoặc sau buổi học, hỗ trợ để con tiếp thu được bài.

Ngày nay, mọi người, đặc biệt là các bậc bố mẹ nếu muốn giúp con học tập tốt, cũng cần phải tự xác định cho mình, là mình cũng phải học theo con, không biết thì phải tìm cách, tìm sách mà học. Con người ở thời đại này, nếu muốn tồn tại, không muốn tụt lại phía sau thì phải “học suốt đời”: Học trên mạng, học trong sách vở, học lẫn nhau…

Nếu trẻ có khó khăn về học tập, các bậc bố, mẹ hãy nhớ đừng bao giờ cáu giận trẻ. Phải kiên trì giảng giải để trẻ hiểu, làm theo. Các cáu giận chỉ làm cho stress của trẻ tăng cao, đôi khi dẫn đến hậu quả khó lường, sẽ ân hận suốt đời.

Không ít những vụ việc đau lòng liên quan đến việc cha mẹ quá kỳ vọng vào việc học tập của con cái, trong đó có bạo hành trẻ em. Trong mùa dịch Covid-19, ông có lời khuyên gì đối với các bậc cha mẹ, đặc biệt là để tránh bạo hành trẻ?

Bạo hành với trẻ là vi phạm Luật Trẻ em. Con người sinh ra, mỗi người là một nhân cách, không ai giống ai. Bởi vậy ta đừng bắt trẻ phải giống người này, người kia. Kỳ vọng vào con là tốt nhưng đừng kỳ vọng vào những điều trẻ không thể làm được vì để làm được điều đó phải cần có nhiều yếu tố mà hiện tại trẻ chưa có được. Bạo hành trẻ là điều tuyệt đối cấm.

Covid-19 cũng khiến cho nhiều người trẻ cảm thấy hoang mang, lo lắng về tương lai. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này?

Hoang mang là đúng, vì đó là đại dịch toàn cầu, các thảm họa luôn có thể xảy ra với mình. Nhưng một khi hiểu rõ sự việc, nếu có phương pháp đúng, con người ta sẽ có thể vượt lên số phận, hoàn cảnh.

Người lớn, các bậc bố, mẹ hãy tích cực giúp trẻ về phương pháp. Các bạn trẻ hãy cố gắng lên, làm theo các chỉ dẫn cần thiết, như thực hiện nghiêm 5K chẳng hạn, chấp hành thật đúng, thật tốt, ở mọi lúc, mọi nơi… và bình tĩnh vượt qua khó khăn. Chưa được đến trường thì ở nhà vẫn phải tích cực học, phải tự học.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo một nghiên cứu đã được công bố, tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc rối loạn tinh thần chiếm 8% ở trẻ em và 29% ở tuổi vị thành niên, trong đó rối loạn tăng động giảm chú ý 14%; rối loạn cảm xúc 11,5%; rối loạn ứng xử chiếm hơn 9%. Năm 2019, Bệnh viện Nhi T.Ư đã cho tiến hành một nghiên cứu khảo sát 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên. Kết quả cho thấy, ở Hà Nội, tỷ lệ học sinh bị trầm cảm là hơn 31%, Hưng Yên là gần 19%. Gần 43% số học sinh Hà Nội tham gia khảo sát có tâm trạng lo âu, còn tại Hưng Yên là 36,5%. Tỷ lệ trẻ bị stress tại Hà Nội gần 39% và ở Hưng Yên là gần 22%.

Theo Đời sống
back to top