"Bánh ảo" và độc dược thật từ Robomine

Hàng trăm người đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào ví điện tử Robomine. Sau đó, "trùm" quản lý ứng dụng này tuyên bố... bảo trì hệ thống. Cho đến nay, rất nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thu hồi được tài sản, dù đã tố cáo tới cơ quan công an.

“Không cần làm gì, ngủ dậy là có tiền”

Sự phát triển của xu hướng số hóa đã khiến xuất hiện nhiều loại hình đầu tư mới. Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã đăng tải trên mạng xã hội những thông tin mời gọi người chơi tham gia các sàn giao dịch tiền ảo, với lợi nhuận khổng lồ.

Một trong số này là mô hình ví điện tử Robomine (RBM), được quảng cáo là sẽ giúp những nhà đầu tư “không cần làm gì, ngủ dậy là có tiền”.

Những người môi giới của mô hình này cho biết Robomine là một ngân hàng số đến từ Anh Quốc giúp nhà đầu tư chỉ cần bỏ tiền và gửi lại, sau đó nhận lãi hàng tháng, mọi thủ tục tiền nạp đều được thực hiện online một cách dễ dàng.

Theo giới thiệu, RBM là coin đào có thuật toán SHA3 trên nền tảng di động đầu tiên, có blockchain riêng, đào coin RBM trên nền tảng POS (bằng chứng cổ phần) và có sổ cái không thể sửa chữa, làm giả. Người tham gia chỉ cần tạo ví điện tử trên trang website của RBM, sau đó mua các đồng tiền ảo BTC, ETH, USDT rồi gửi vào ví Robomine. Sau đó ví này sẽ đi đào coin. Hàng ngày lãi sẽ được tự động trả cho nhà đầu tư bằng một đồng tiền ảo có tên là RBM.

Theo quảng cáo, ví RBM có 1 con Bot AI tốn ít điện năng, không gây nóng thiết bị, “cày ngày cày đêm", mang về 10 — 15% mỗi tháng (~0.3 – 0.5% mỗi ngày). Hằng ngày lãi sẽ được tự động trả bằng một đồng tiền ảo có tên là RBM.

“Chúng ta đầu tư RBM không cần điện thoại, internet, tối ngủ tắt pin đi, sáng ra vẫn nhận coin bình thường” - một môi giới RBM quảng cáo.

Những môi giới của Robomine luôn nhấn mạnh đó là người tham gia có thể rút gốc và lãi bất kỳ thời gian nào thay vì bị giữ gốc trong một thời gian nhất định như các mô hình tiền ảo khác. Muốn rút họ chỉ việc đổi đồng RBM ra các đồng tiền ảo khác với tỷ lệ quy đổi theo thị giá của RBM tùy từng ngày, hoặc có thể bán nội bộ cho người khác. Việc không giữ lại tiền gốc đã làm cho rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng tham gia.

Đồng thời, Robomine còn có hệ thống đa cấp chia sẻ cho những người khác để hưởng hoa hồng hệ thống, F1 hưởng 100%; F2 hưởng 50%; F3 ~ F20 hưởng 5% của lợi nhuận coin đào.

Để lôi kéo được nhiều người tham gia những người môi giới của Robomine đã liên tục tổ chức những buổi hội nghị hội thảo lớn quy mô tới hàng trăm người trên các nhóm kín như Zalo, kêu gọi hàng nghìn người từ các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thái Bình, TPHCM... tham gia đầu tư dự án Robomine. Mỗi nhóm có tới hàng chục nghìn người tham gia, ước tính số tiền bỏ vào lên tới nhiều tỷ đồng.

Tham gia quảng cáo cho Robomine còn có cả những người mang danh nhà khoa học. Chẳng hạn như tiến sĩ Phan Quốc Việt trực tiếp đứng lớp cho nhóm của Đoàn Mạnh Tuấn (SN 1984, trú tại Đan Phượng, TP Hà Nội), với danh nghĩa đào tạo về công nghệ blockchain. Ngoài ra, ông Việt cũng tham gia đào tạo khá nhiều lớp có hình thức giống với mô hình tổ chức của Robomine, cũng với danh nghĩa đào tạo về công nghệ blockchain.

2.jpg
Đối tượng Đoàn Mạnh Tuấn đứng lớp giới thiệu về Robomine để thu hút nhà đầu tư.

Tiền đi không hẹn ngày về

“RBM vô cùng đặc biệt vì bạn không cần mua bất kỳ một gói đầu tư nào mà đơn giản chỉ là gửi vào ví của mình số tiền bạn muốn cất giữ” - câu quảng cáo của người môi giới RBM đã củng cố sự an tâm của người tham gia. Hiện nay, cộng đồng Robomine tại Việt Nam lên đến hàng ngàn người, tổng mức đầu tư ước tính đã lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, mới hoạt động được nửa năm, đến cuối năm 2000, đầu năm 2021, RBM bỗng nhiên bị cho là vướng lỗi kỹ thuật trục trặc phải bảo dưỡng bảo trì hệ thống và không cho người tham gia truy cập.

Đến tháng 6 vừa qua, RBM chính thức thông báo mất hết dữ liệu. Hàng nghìn người đã chính thức không còn mở được tài khoản ví điện tử của mình trên Robomine. Cùng lúc đó hàng loạt các hội nhóm của Robomine trên các trang mạng xã hội cũng đồng loạt bị giải tán.

Tháng 6/2021, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã nhận được đơn tố cáo liên danh của các nhà đầu tư, dự án tiền ảo Robomine do Đoàn Mạnh Tuấn (SN 1984, trú tại Đan Phượng, TP Hà Nội) lập ra.

Theo đơn tố cáo, người dân cho biết đối tượng Tuấn đã kêu gọi thành công hàng ngàn nhà đầu tư từ nhiều tỉnh thành trên cả nước với tổng số tiền đầu tư ước tính sơ bộ khoảng 2.000 – 3.000 tỷ đồng.

Trong quá trình đầu tư rất nhiều lần thông báo cập nhật nâng cấp phần mềm có lúc thông báo cho nhà đầu tư thời gian cụ thể quá trình nâng cấp. Tuy nhiên, lần nâng cấp ngày 25/1/2021 liên tục báo chậm và cho đến nay vẫn chưa cập nhật xong.

Nhà đầu tư sốt ruột hỏi Tuấn về quá trình cập nhật, nhưng lúc này Tuấn chỉ trả lời quá trình vẫn đang tiếp tục cập nhật và khuyên cộng đồng nhà đầu tư hãy chờ đợi. Các nhà đầu tư không rút được tiền ảo trong ví, nhiều ví lập từ tháng 12 đến nay không thể đăng nhập được. Các lịch sử giao dịch nạp coin Tron (TRX) vào ví RBM cũng không thể kiểm tra, không đăng nhập được. Nhiều ví kiểm tra lịch sử đã thấy coin gốc nạp vào đã bị di chuyển tới các địa chỉ không xác định. Đến nay, Tuấn vẫn bảo RBM đang cập nhật.

Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, nhiều nhà đầu tư đã liên hệ với ông Tuấn. Tuy nhiên, ngay lập tức đã bị ông ta chặn cuộc gọi, “kick” ra khỏi các nhóm đầu tư RBM như Cộng đồng Blockchain Academy 2021, Truyền cảm hứng cảm ơn Robomine, Nhóm tài liệu chuẩn Robomine (Zalo), nhóm Robomine Official Group, Robomine Blockchain, Cộng đồng Blockchain Academy 2021 (Telegram)…

Chưa rõ cơ quan Công an tiến hành việc điều tra và trả lời đơn tố cáo của nhà đầu tư đến đâu. Tuy nhiên, trong các nhóm chat trao đổi riêng của các nhà đầu tư xuất hiện thông tin phải ăn chia theo tỷ lệ tiền mới có hy vọng đòi được phần nào tiền đã nạp. Và cũng xuất hiện ý kiến nghi ngờ đối tượng Tuấn đã "chạy chọt" để thoát tội lừa đảo. 

KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến vụ việc này, cũng như chân dung của TS Phan Quốc Việt cùng hệ thống của nhân vật Đoàn Mạnh Tuấn.

Theo Đời sống
back to top