Chỉ hiệu quả với 30% học sinh trong lớp
Phương pháp Bàn tay nặn bột được Bộ GD&ĐT đã xây dựng và thực hiện đề án từ năm 2011. Sau một năm thí điểm, Bộ GD&ĐT đã triển khai đại trà trên toàn quốc.
Đây được cho là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm tìm tòi - nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên.
Theo đó, phương pháp Bàn tay nặn bột chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu, để thông qua việc tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra, chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống …
Bàn tay nặn bột luôn coi học sinh là trung tâm của quá trình nhận thức, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của giáo viên.
Mục tiêu của phương pháp Bàn tay nặn bột là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học của học sinh. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp BTNB còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên tiểu học, thì phương pháp Bàn tay nặn bột đã tồn tại nhiều hạn chế. Và một trong những hạn chế, đó là phương pháp này không đạt hiệu quả đối với tất cả học sinh.
“Qua thực tế giảng dạy tôi thấy, chỉ có những học sinh khá giỏi thì mới có thể trình bày, nêu lên những quan điểm, nhận xét của mình, con số này rơi vào khoảng 30 – 35% học sinh của lớp. Còn những học sinh trung bình và yếu thì hầu như các em không thể trình bày được, thậm chí chỉ có ngồi đấy thôi chứ không hoạt động được gì”, cô giáo Lê Thu Hà, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ.
Muốn đủ thời gian phải “diễn”
Cụ thể, tiến trình một giờ dạy theo phương pháp nặn bột sẽ theo 5 bước. Trong đó, bước 1 là tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề do GV chủ động đưa ra như là một cách dẫn nhập vào bài học; trong đó lồng ghép câu hỏi nêu vấn đề.
Bước 2: Bộc lộ quan điểm ban đầu của học sinh: HS được khuyến khích nêu những suy nghĩ, nhận thức ban đầu trước khi học. HS có thể được GV yêu cầu nhắc lại kiến thức cũ đã học có liên quan đến kiến thức mới và trình bày biểu tượng ban đầu bằng nhiều hình thức, như lời nói, viết hay vẽ để biểu hiện suy nghĩ.
Bước 3: Đề xuất câu hỏi và phương án thực nghiệm: Trên cơ sở những biểu tượng ban đầu, GV giúp HS đề xuất các câu hỏi nghiên cứu, chú ý vào những sự khác biệt liên quan đến kiến thức trọng tâm của bài học. Từ các câu hỏi được đề xuất, GV đề nghị HS đề xuất phương án thực nghiệm, tìm tòi - nghiên cứu để tìm câu trả lời.
Bước 4: Tiến hành thí nghiệm tìm tòi - nghiên cứu: Từ các phương án thực nghiệm tìm tòi - nghiên cứu mà HS nêu ra, GV sẽ lựa chọn phương án để HS có thể tiến hành. Một số trường hợp không thể tiến hành thí nghiệm trên vật thật có thể làm mô hình, hoặc cho HS quan sát tranh vẽ.
Bước 5: Kết luận, hợp thức hóa kiến thức: Sau khi thực hiện thí nghiệm tìm tòi - nghiên cứu, các câu trả lời dần dần được giải quyết, kiến thức được hình thành, GV có nhiệm vụ tóm tắt, kết luận và hệ thống lại để HS ghi vào vở là kiến thức của bài học và so sánh với những biểu tượng ban đầu.
Trao đổi với KH&ĐS, nhiều giáo viên cho rằng, để thực hiện được 5 bước đó, thì cũng chỉ có HS khá giỏi mới làm được.
Còn với HS trung bình và yếu, ví dụ, bước nêu những suy nghĩ, nhận thức hoặc đề xuất các câu hỏi, phương án thực hiện… đều không thể thực hiện.
Đối với việc tiến hành các thí nghiệm cũng vậy, nếu giáo viên không bao quát được hết lớp, thì dễ dẫn tới hiện tượng các em nghịch ngợm những dụng cụ thí nghiệm.
Đặc biệt, là một tiết học nếu để tự các em khám phá thì sẽ dẫn tới “cháy” thời gian, thời gian sẽ kéo dài gấp rưỡi, hoặc gấp đôi, ảnh hưởng tới các tiết học khác.
Từ đó dẫn tới việc, để có thể đảm bảo được một giờ dạy để dự giờ Tổ (hằng tháng) được diễn ra suôn sẻ, đúng thời lượng quy định, thì các giáo viên buộc phải cho học sinh thực hiện trước tiết học này.
Trong khi đó, mục tiêu của phương pháp Bàn tay nặn bột là để tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học của học sinh. Chính việc làm này đã làm mất đi hoàn toàn mục tiêu đó. Biến một tiết dạy kích thích sự sáng tạo và say mê chỉ còn là tiết học “diễn”, rất hình thức, chỉ để dành cho dự giờ.
Trong khi đó, theo cô Hà, để chuẩn bị cho một tiết dạy của Bàn tay nặn bột thì giáo viên phải chuẩn bị rất công phu, với rất nhiều dụng cụ thí nghiệm. Công sức của giáo viên bỏ ra so với hiệu quả của phương pháp giảng dạy đem lại không tương xứng khiến giáo viên cảm thấy chán nản.
Phương pháp Bàn tay nặn bột với những mục tiêu đề ra là tạo sự ham muốn khám phá và say mê khoa học của học sinh, đó là điểm tích cực. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại không đạt được những mục tiêu đó đề ra. Từ đó, đặt ra vấn đề Bộ GD&ĐT có nên giữ lại phương pháp này hay không? Theo ý kiến của các giáo viên trao đổi với PV KH&ĐS thì nên dừng triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột.