Tối 6/12, khán giả theo dõi trận đấu Việt Nam – Lào trên nền tảng Youtube trong khuôn khổ AFF Suzuki cup đã không nghe được Quốc ca trong nghi thức chào cờ trước trận đấu như thường lệ vì lý do bản quyền.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Trong khi đó, sáng 7/12, phía BH Media lên tiếng giải thích rằng, theo Luật Sở hữu trí tuệ nếu bất kì ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kĩ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi, bất kì ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.
Việc các kênh phát sóng trên nền tảng số đều có động thái tắt tiếng phần âm nhạc để phòng xa về bản quyền ghi âm âm nhạc, tránh mất doanh thu.
Trước những thông tin đó, nhiều người đặt câu hỏi, vì sao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có một bản ghi Quốc ca chuẩn, đăng ký bản quyền trên tất cả các nền tảng số, cho phép mọi tổ chức, cá nhân được sử dụng?
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Công Hóa, nguyên trưởng Ban quản lý dự án Website Chính phủ (tiền thân của Cổng thông tin điện tử Chính phủ hiện nay), cho biết, từ khi Website Chính phủ, trang web chính thức của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet toàn cầu, ra mắt vào ngày 10/1/2006, Website Chính phủ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức chuyển giao, công bố chính thống Quốc ca Việt Nam trên mạng Internet toàn cầu.
Đây là một trong các dữ liệu chính thức về Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet, gồm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Tuyên ngôn cũng như các văn bản pháp luật…
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng bản ghi chính thức này trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ theo quy định của pháp luật tại đường dẫn tại đây. Đây là bản ghi Quốc ca chuẩn mà các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể sử dụng miễn phí.
Theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, nhạc Quốc ca sử dụng trước trận tuyển Việt Nam - Lào tại AFF Cup 2020 được ban tổ chức AFF Cup 2020 lấy nguồn từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
Đây là nhạc Quốc ca của Việt Nam do VFF cung cấp bản chuẩn, được VFF lấy từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (chinhphu.vn).
Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm Quốc ca, và ca khúc Quốc ca được sử dụng trong trận đấu Việt Nam-Lào lấy từ Cổng điện tử Chính phủ. Vậy, sẽ xử lý như thế nào các bên liên quan đã tắt tiếng Quốc ca trong nghi thức chào cờ trước trận tuyển Việt Nam - Lào tại AFF Cup 2020? Hiện vụ việc vẫn đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.